Dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn
Ảnh minh họa (nguồn: dddn.com.vn) – Kết thúc năm 2012, tuy không đạt mục tiêu 1,8 tỷ USD mà ngành cá tra đã đặt ra nhưng đây vẫn là kết quả khả quan nhờ sự nỗ lực của toàn ngành. Bước sang năm 2013, dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ trầm lắng, nguồn nguyên liệu không ổn định và giá xuất khẩu ở mức thấp... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2012, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn. Kết thúc năm 2012, xuất khẩu cá tra trên cả nước đạt 1,74 tỷ USD, giảm 3,4% so với năm 2011 và thấp hơn so với mục tiêu 1,8 tỷ USD do những khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất, thị trường tiêu thụ và giá trung bình xuất khẩu bị đẩy xuống thấp… Đáng chú ý, năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính kéo dài, nhiều nước nhập khẩu đã đưa ra các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu...
– Kết thúc năm 2012, tuy không đạt mục tiêu 1,8 tỷ USD mà ngành cá tra đã đặt ra nhưng đây vẫn là kết quả khả quan nhờ sự nỗ lực của toàn ngành. Bước sang năm 2013, dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ trầm lắng, nguồn nguyên liệu không ổn định và giá xuất khẩu ở mức thấp…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, năm 2012, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn. Kết thúc năm 2012, xuất khẩu cá tra trên cả nước đạt 1,74 tỷ USD, giảm 3,4% so với năm 2011 và thấp hơn so với mục tiêu 1,8 tỷ USD do những khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất, thị trường tiêu thụ và giá trung bình xuất khẩu bị đẩy xuống thấp…
Đáng chú ý, năm 2012, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính kéo dài, nhiều nước nhập khẩu đã đưa ra các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhập khẩu vì vậy đã gây ảnh hưởng tới xuất khẩu cá tra và nghề nuôi cá tra ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Tổng cục Thủy sản, tính đến hết 31/12/2012, tổng lượng giống cá tra sản xuất trong toàn vùng ĐBSCL đạt gần 4,6 tỷ con cá giống (tăng gần gấp 2 lần so với năm 2011), diện tích nuôi đạt 5.910 ha; sản lượng cá thu hoạch đạt 1.255.500 tấn. Sản xuất cá giống đã đáp ứng đủ nhu cầu cho nuôi thương phẩm tuy nhiên chất lượng cá giống vẫn chưa đảm bảo do cạnh tranh thiếu lành mạnh nên các cơ sở sản xuất cá bột cho đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm.
Cũng trong năm 2012, diện tích và sản lượng nuôi tăng so với năm 2011, tuy nhiên tốc độ tăng sản lượng chậm hơn so với tăng diện tích, năng suất trung bình đạt trên 274 tấn/ha (năm 2011 là 305 tấn/ha).
Về tình hình tiêu thụ, trong năm 2012, tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu diễn biến phức tạp. Trong 3 tháng đầu năm, việc tiêu thụ cá tra tương đối thuận lợi, giá cá tra ở mức khá cao, đa số các hộ nuôi đều có lãi. Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 năm 2012 trở lại đây, giá cá tra liên tục giảm mạnh, giá cá hiện nay dao động 20.500– 21.000 đồng/kg. Giá liên tục giảm mạnh đã gây bất lợi cho người nuôi. Cùng với đó, nhiều nhà máy chế biến cá tra hoạt động cầm chừng nên khiến nhiều hợp đồng xuất khẩu bị ảnh hưởng, đời sống công nhân gặp khó khăn. Được biết, trong số 64 doanh nghiệp có nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra, hiện có 20 doanh nghiệp có mức sản xuất dưới 30 tấn/ngày đang bị thua lỗ, hiện hoạt động cầm chừng.
Năm 2012, cá tra Việt Nam được xuất khẩu sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng so với 136 quốc gia và vùng lãnh thổ của năm 2011. Một số thị trường chiếm thị phần chính gồm: châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc, Mexico, Brazil, Ai Cập, Arập Xêut, Colombia, Australia, chiếm tỷ trọng 77,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra năm 2012. Trong số các thị trường nhập khẩu chính của cá tra Việt Nam thì hầu hết đều giảm nhập khẩu cá tra trong năm 2012 so với năm 2011, trong đó giảm mạnh nhất là EU và Arập Xêut, tiếp đến là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập…
Dự báo năm 2013, ngành cá tra cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về vốn, thị trường, nguồn nguyên liệu, các rào cản kỹ thuật… Để khắc phục khó khăn đẩy mạnh xuất khẩu đòi hỏi thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc rà soát tổng thể hiện trạng về sản xuất cá tra để quản lý và điều tiết khâu chế biến xuất khẩu, đồng thời tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ cá tra để người nuôi và doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn một cách thuận lợi nhất và đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh…
Cũng theo Bộ NN&PTNT, năm 2013, xuất khẩu cá tra sẽ có thêm một số diện tích cá tra nuôi bị thu hẹp, đặc biệt là ở những hộ nuôi nhỏ lẻ, điều này góp phần làm giảm nguồn cung và đẩy giá cá tra nguyên liệu tăng cao hơn so với năm 2012.
Trước những thách thức về vốn cho sản xuất và xuất khẩu cá tra năm 2013, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu cá tra có thể diễn ra theo 3 kịch bản:
Thứ nhất, xuất khẩu cá tra có thể vẫn duy trì mức 1,8 tỷ USD như năm 2012 nếu khó khăn về vốn được khắc phục dần, thị trường tiêu thụ phục hồi nhẹ, với mức sản lượng nguyên liệu khoảng 1 triệu – 1,1 triệu tấn, giảm so với hơn 1,2 triệu tấn năm 2012, trong đó lượng xuất khẩu khoảng 550.000 tấn và giá trung bình xuất khẩu tăng lên khoảng 3,4 – 3,5 USD/kg.
Tuy nhiên, đây không phải là mức khả thi, và cũng không phải là kỳ vọng của ngành bởi nếu sản lượng cá vẫn ở mức cao, khối lượng xuất khẩu tăng một cách tự phát, thiếu kiểm soát và quy hoạch thì giá trung bình khó có thể tăng và hệ lụy là sẽ gây áp lực suy giảm cho ngành cá tra trong năm 2014 và những năm sau.
Kịch bản thứ hai, xuất khẩu sẽ đạt 1,5 tỷ USD là mức khả quan và nên duy trì vì trong bối cảnh đi xuống của năm 2012, những khó khăn áp lực về vốn và thị trường tiêu thụ thì ngay quý I/2013 người nuôi khó có thể tiếp tục duy trì sản lượng như năm trước, do vậy sản lượng cá có thể chỉ đạt khoảng 100.000 tấn trong quý này.
VASEP cho biết, với xu hướng này sẽ dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu, thị trường thiếu nguồn cung cá tra, do đó người nuôi và doanh nghiệp sẽ có kế hoạch nuôi trở lại. Như vậy từ quý II, có thể sản lượng cá tra sẽ tăng lên. Nếu cả người nuôi và doanh nghiệp có điều kiện vay vốn tốt hơn năm 2012, xuất khẩu và giá trung bình cá tra sẽ tăng vào nửa cuối năm và giá trị sẽ đạt mức khả thi 1,5 tỷ USD. Sự thiếu hụt trong một giai đoạn có thể là yếu tố giúp lấy lại giá trị cho cá tra, đẩy giá cá tăng lên trên thị trường thế giới và tự cơ cấu lại hoạt động sản xuất và xuất khẩu theo hướng cân bằng cung – cầu.
Thứ ba, xuất khẩu sẽ chỉ đạt mức thấp 1,2 tỷ USD trong tình huống các khó khăn của năm 2012 vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2013. Doanh nghiệp và người nuôi vẫn khó tiếp cận vốn, cùng với những khó khăn về chi phí và thị trường thì có thể diện tích và sản lượng cá tra sẽ giảm mạnh 50%. Khi nguồn tín dụng vẫn khó khăn với người nuôi nhỏ lẻ và doanh nghiệp quy mô nhỏ thì chỉ có một số doanh nghiệp lớn có thể tiếp tục nuôi cá tra phục vụ cho chế biến xuất khẩu, mặc dù nhu cầu thị trường có thể tăng nhưng sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Như vậy, năm 2013 có thể sẽ là một năm để ngành cá tra tạm thời chững lại để điều chỉnh sự phát triển quá nóng và thiếu quy hoạch để tiến tới phát triển bền vững với mục tiêu xuất khẩu cá tra với đúng giá trị thực của nó.
Thực tế, dù diễn biến theo kịch bản nào, các chuyên gia đều cho rằng cần đẩy mạnh tái cấu trúc để tiến tới phát triển bền vững ngành này. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, năm 2013, ngành cá tra cần xem đây là năm để tái cấu trúc, mổ xẻ toàn bộ những hạn chế tồn tại, củng cố lại và tạo đà cho cá tra phát triển ổn định từ năm 2014 trở đi… Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng Nghị định về cá tra, thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về vay vốn, tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi cá tra tập trung… |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()