Dự báo về tình hình kinh tế Bulgaria
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vấn đề nợ công trong khu vực đồng Euro sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Bulgaria. Báo chí Bulgaria dự báo, bước sang năm 2012, Bulgaria tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức. Giá cả các mặt hàng, nhất là năng lượng như điện, xăng dầu đều tăng. Về nội bộ, Đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu (GERB) tiếp tục củng cố vị trí lãnh đạo của mình. Đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria BSP bắt đầu có sự phân hóa, sắp xếp lại các chức vụ lãnh đạo, đặc biệt vị trí Chủ tịch Đảng sau khi có dư luận Tổng thống vừa mãn nhiệm G.Parvanov có khả năng quay trở lại tham gia BSP sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình. Trong nội bộ Đảng ATAKA gia tăng mâu thuẫn, một số nghị sỹ của đảng rút khỏi đảng chuyển sang nhóm nghị sỹ độc lập nên nhóm nghị sỹ của đảng này từ 21 ghế trong Quốc hội hiện chỉ còn 10 ghế - số lượng tối thiểu để duy trì nhóm nghị...
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vấn đề nợ công trong khu vực đồng Euro sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Bulgaria. Báo chí Bulgaria dự báo, bước sang năm 2012, Bulgaria tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn thách thức.
Giá cả các mặt hàng, nhất là năng lượng như điện, xăng dầu đều tăng. Về nội bộ, Đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu (GERB) tiếp tục củng cố vị trí lãnh đạo của mình. Đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria BSP bắt đầu có sự phân hóa, sắp xếp lại các chức vụ lãnh đạo, đặc biệt vị trí Chủ tịch Đảng sau khi có dư luận Tổng thống vừa mãn nhiệm G.Parvanov có khả năng quay trở lại tham gia BSP sau khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình. Trong nội bộ Đảng ATAKA gia tăng mâu thuẫn, một số nghị sỹ của đảng rút khỏi đảng chuyển sang nhóm nghị sỹ độc lập nên nhóm nghị sỹ của đảng này từ 21 ghế trong Quốc hội hiện chỉ còn 10 ghế – số lượng tối thiểu để duy trì nhóm nghị sỹ.
Một số cuộc bãi công trong tháng 1 đã làm phức tạp thêm tình hình, điển hình là cuộc bãi công của nhân viên đường sắt, của công nhân mỏ than Maritxa kéo dài hàng tuần và trước đó là cuộc bãi công của những người sản xuất ngũ cốc, gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế. Theo số liệu công bố, năm 2011, GDP của Bulgaria đạt mức tăng trưởng 1,9%, thâm hụt ngân sách 2,1%, chỉ số lạm phát 4,2%, thất nghiệp xấp xỉ 11%. Bulgaria là nước duy nhất trong Liên minh châu Âu (EU) thành công trong việc giảm nợ công trong 10 năm qua, từ 100% xuống còn 16% do chính phủ thực hiện quyết liệt chính sách tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu công, đã giữ được mức thâm hụt ngân sách và lạm phát dưới mức trung bình do EU đề ra trong vòng 3 năm qua và cũng là nước duy nhất trong EU được nâng bậc xếp hạng tín nhiệm trong thời kỳ khủng hoảng. So với năm 2009, khi Đảng GERB thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội và đứng ra lập chính phủ thiểu số, đây là những con số tích cực. Tuy vậy Bulgaria vẫn được xếp là nước nghèo nhất trong 27 nước EU.
Nổi bật trong tháng 1/2012 là việc chuyển giao quyền lực giữa Tổng thống mãn nhiệm G.Parvanov và Tổng thống mới đắc cử kỳ 2012 – 2017 Rossen Plevneliev nhiệm. Ngày 19/1, trong Lễ tuyên thệ nhậm chức ở Quốc hội và trong bài phát biểu ngắn tại Lễ nhậm chức ngày 22/1, tân Tổng thống Rossen Plevneliev đã cam kết đưa Bulgaria trở thành nước thuộc nhóm giàu trung bình của châu Âu, đến năm 2020 thu nhập bình quân của người dân tối thiểu bằng 60% thu nhập bình quân của EU (nay là 43%); khả năng cạnh tranh sẽ nằm trong tốp 50 hàng đầu trên thế giới (nay xếp thứ 74); sức sản xuất đạt ít nhất 60% mức trung bình của EU (nay là 42%). Tân Tổng thống cũng kêu gọi đoàn kết dân tộc, tăng cường phát triển các vùng miền đất nước, nâng cao đời sống nhân dân, tạo thêm nhiều chỗ làm việc, đặc biệt cho các chuyên gia trẻ để không phải tìm nơi làm việc ở nước ngoài. Ông tuyên bố ưu tiên của Bulgaria là tiếp tục hòa nhập toàn diện, nhanh và hiệu quả hơn vào EU; tham gia tích cực và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của nước thành viên NATO.
Ngày 25/1, Chính phủ Bulgaria đã thông qua danh sách đề cử 24 vị Đại sứ để trình lên Tổng thống, thay thế hơn 40 Đại sứ đương nhiệm. Ngoại trưởng Bulgaria nêu rõ nhóm Đại sứ được bổ nhiệm đầu tiên này nằm ở những nước ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Bulgaria gồm các nước thuộc EU, Đông Nam Âu và Cận Đông. Có 2 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm Đại diện thường trực của Bulgaria tại EU và tại Anh, Tổng Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao làm Đại sứ tại Đức, các vị trí khác ở Vatican, Rumani, Bosna Hecxegovina, Xecbi, Italia, Hungary, Yemen, Bỉ, Anbani, Hy Lạp, Áo, Geneve, Nam Phi, Ukraine, Slovakia, Hà Lan, Trung Quốc, Ai Cập, New York…
Trong khi đó, về đối ngoại, tuy Bulgaria có nhiều nỗ lực, Áo vẫn tuyên bố tiếp tục đóng cửa thị trường lao động với Bulgaria thêm 2 năm nữa. Như vậy, ngoài Áo, còn 8 nước trong EU chưa mở cửa thị trường lao động với Bulgaria, trong đó có Đức, Anh, Airơlen, Bỉ và Pháp. Việc gia nhập không gian Schengen của Bulgaria đến cuối tháng 1/2012 vẫn chưa thấy có tín hiệu tích cực. Vào cuối năm 2011, chính phủ Bulgaria đã quyết định rút khỏi dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên bán đảo Bancăng từ cảng Burgas (Bulgaria) đến Alexandrupolis (Hy Lạp), gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ với Nga. Trong tháng 1/2012, Bulgaria cũng triển khai một số hoạt động đối ngoại quan trọng với chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bulgaria thăm Israel và Thủ tướng Bulgaria thăm Đức theo lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Ngày 23/1 Tổng thống Bulgaria đã ra tuyên bố ủng hộ Croatia gia nhập EU ngay sau khi nước này tổ chức trưng cầu dân ý.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()