Dự báo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2013
Ngày 07/12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013 do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: VT)Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, năm 2012, kinh tế thế giới đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tăng trưởng kinh tế chậm, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, đáng chú ý là các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia ở châu Âu gây ra sự bất ổn tài chính, làm chậm tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu… Kinh tế trong nước cũng gặp nhiều phải khó khăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc đưa ra các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp này đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế tránh được một năm giảm sâu, giá cả được kiểm soát;...
Ngày 07/12, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2012 và triển vọng phát triển năm 2013 do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: VT) |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, năm 2012, kinh tế thế giới đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như tăng trưởng kinh tế chậm, thâm hụt tài khóa nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp cao, đáng chú ý là các cuộc khủng hoảng nợ quốc gia ở châu Âu gây ra sự bất ổn tài chính, làm chậm tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu… Kinh tế trong nước cũng gặp nhiều phải khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc đưa ra các chính sách, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Các giải pháp này đã giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế tránh được một năm giảm sâu, giá cả được kiểm soát; thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, cán cân tổng thể được cải thiện; các vấn đề an sinh xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội của cả nước hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 giảm năm thứ 2 liên tiếp xuống mức 5,2%; các doanh nghiệp đình đốn sản xuất và khó khăn trong tiếp cận vốn; nợ xấu tăng cao; hiệu quả vốn đầu tư chưa được cải thiện nhiều; tiêu dùng giảm sút…
Bước sang năm mới 2013, theo Báo cáo Triển vọng kinh tế Thế giới của IMF vào tháng 10/2012, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 khoảng 3,6% (dự báo của OECD là 3,4% tháng 11/2012 ), cao hơn so với năm 2012 được ước ở mức khoảng 3,3% (theo OECD là 2,9%).
Qua đó, tác động đến kinh tế Việt Nam ở một số điểm như: Sự sụt giảm tăng trưởng của hai nền kinh tế là Ấn Độ và Trung Quốc sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc xuất khẩu khi nhân công và chi phí đầu vào của Việt Nam được đánh giá là thấp hơn 2-2,5 lần so với Ấn Độ, Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư FDI, ODA vào Việt Nam trong năm 2013 cũng có nhiều triển vọng tăng cao hơn năm 2012 sẽ giúp kinh tế Việt Nam, nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào đầu tư khởi sắc.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong năm 2013 được dự báo sụt giảm có thể sẽ ảnh hưởng không thuận cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam vì Nhật Bản không chỉ là một trong 3 nước có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam mà còn là nước có lượng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản có xu hướng giảm sẽ gây lo ngại ảnh hưởng tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Theo đó, để kinh tế Việt Nam năm 2013 tăng trưởng đạt mức 5,67%, nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị một số chính sách: Chính phủ vẫn cần thiết duy trì ưu tiên ổn định vĩ mô, giữ lạm phát ở mức tương tự như năm 2012, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt. Chú trọng triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong nền kinh tế, đặc biệt khu vực kinh tế nhà nước. Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công;
Có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng đình đốn sản xuất của các doanh nghiệp như thực hiện chính sách miễn giảm thuế, phí, …, hỗ trợ và thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chú ý tập trung vào đối tượng thu nhập trung bình và thấp trong xã hội. Thực hiện các chính sách thu hút các nguồn vốn trong nước đưa vào sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Tập trung phá băng thị trường bất động sản nhằm giải quyết vấn đề nợ xấu, nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Việc tái cơ cấu ngân hàng cần được thực hiện triệt để và quyết liệt, không chỉ nhằm giải quyết một phần vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng mà quan trọng hơn là làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp (nhất là những chính sách về đất đai, đầu tư, …) nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn FDI từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, …, vào các nước ASEAN, định hướng dòng vốn này vào những lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư, loại bỏ những dự án đầu tư với công nghệ cũ, lạc hậu, … cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của đầu tư FDI lên cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp và thực hiện nghiêm túc, trong đó nhất là đối với các doanh nghiệp nhà nước nhằm giảm sự thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn, tạo môi trường lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()