Kết thúc năm 2011, nhiều hãng thông tấn trên thế giới đưa ra những dự đoán không mấy lạc quan về tình hình kinh tế thế giới trong năm tới. Theo đó, khủng hoảng nợ công đang lan rộng trên hai bờ Đại Tây Dương, có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái trầm trọng.Người đi xin việc xếp hàng tại một Hội chợ việc làm ở Ca-li-pho-ni-a. ( Ảnh: AP ) Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và LHQ cảnh báo, nền kinh tế thế giới có thể phải đối mặt nhiều khó khăn hơn trong năm 2012, chủ yếu do chịu tác động của "bóng đen" suy thoái tại các nền kinh tế phát triển. "Căn bệnh" nợ công tồi tệ ở châu Âu và những biến động của thị trường tài chính toàn cầu là một trong những nguyên nhân đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới. IMF phải điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống thấp hơn 3,6% trong năm tới. Năm 2012 sẽ là một năm "được ăn cả ngã về không", theo đó kinh tế thế giới hoặc là phục hồi ở mức...
Kết thúc năm 2011, nhiều hãng thông tấn trên thế giới đưa ra những dự đoán không mấy lạc quan về tình hình kinh tế thế giới trong năm tới. Theo đó, khủng hoảng nợ công đang lan rộng trên hai bờ Đại Tây Dương, có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái trầm trọng.
Người đi xin việc xếp hàng tại một Hội chợ việc làm ở Ca-li-pho-ni-a. ( Ảnh: AP )
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và LHQ cảnh báo, nền kinh tế thế giới có thể phải đối mặt nhiều khó khăn hơn trong năm 2012, chủ yếu do chịu tác động của “bóng đen” suy thoái tại các nền kinh tế phát triển. “Căn bệnh” nợ công tồi tệ ở châu Âu và những biến động của thị trường tài chính toàn cầu là một trong những nguyên nhân đe dọa sự phục hồi kinh tế thế giới. IMF phải điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống thấp hơn 3,6% trong năm tới. Năm 2012 sẽ là một năm “được ăn cả ngã về không”, theo đó kinh tế thế giới hoặc là phục hồi ở mức chậm, hoặc rơi trở lại suy thoái nếu tình hình không được cải thiện.
Châu Âu đứng trước bờ vực suy thoái, những khó khăn của kinh tế châu Âu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Các cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) có nguy cơ lan rộng, đe dọa đẩy Eurozone rơi vào suy thoái trầm trọng. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước thành viên Liên hiệp châu Âu (EU), nhất là hai nền kinh tế đầu tàu là Đức và Pháp, còn nhiều chia rẽ chung quanh việc đưa ra chính sách toàn diện nhằm cứu Eurozone tại Hội nghị cấp cao EU vừa qua. Điều này khiến tình hình kinh tế khu vực trở nên xấu hơn, nhiều nhà đầu tư mất lòng tin và lo ngại về nguy cơ sụp đổ của Eurozone trong tương lai gần. Giám đốc giám sát kinh tế toàn cầu thuộc Phòng phụ trách về kinh tế và xã hội tại LHQ cảnh báo, nếu các nước thành viên EU không đồng thuận về những biện pháp cơ bản nhằm khôi phục lòng tin của thị trường và kiềm chế nợ công lan rộng sang các nền kinh tế mạnh hơn, việc EU rơi vào suy thoái trầm trọng là điều không thể tránh khỏi. Dự báo tăng trưởng GDP châu Âu chỉ đạt -0,2% năm 2012, và tiếp tục tăng trưởng “yếu ớt” trong những năm tiếp theo. Theo Bộ phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà kinh tế (Anh), kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại, với các điều kiện kinh tế trong năm 2012 khó khăn hơn ở nhiều nước trên thế giới. Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu tính theo sức mua trong năm tới là 3,2%, giảm so mức 3,8% trong năm 2011. Sự suy giảm của các nền kinh tế Eurozone sẽ cản trở tốc độ tăng trưởng toàn cầu, làm suy yếu lòng tin của giới đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tác động thị trường, nhất là khu vực Đông Âu và Bắc Phi cũng như các nước đang nổi ở châu Á. Tạp chí này cho biết, “căn bệnh” nợ công của Eurozone chưa có dấu hiệu lắng dịu. Nếu cuộc khủng hoảng ở châu Âu trầm trọng thêm, một số nước có thể phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung này. Khả năng Eurozone tan vỡ là rất thấp, xong nguy cơ đó không thể bỏ qua.
Kinh tế Mỹ phục hồi “mong manh”, trong khi Lục địa già đang tiến dần tới “bờ vực” suy thoái, Mỹ hiện phải “vật lộn” khủng hoảng nợ tăng nhanh, cùng những mâu thuẫn chính trị trong nước. Nhiều chính sách về thuế, việc làm… của Tổng thống B.Ô-ba-ma vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa vốn cho rằng, chính sách trên không giúp kích thích kinh tế Mỹ mà chỉ tác động tiêu cực đến các chủ doanh nghiệp nhỏ. Vừa qua, Chính phủ Mỹ buộc phải nâng mức trần nợ công lên 2.400 tỷ USD và yêu cầu cắt giảm 2.100 tỷ USD chi tiêu công trong mười năm tới. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ tăng mạnh, thị trường nhà đất đóng băng, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao… là những minh chứng cụ thể cho thấy, kinh tế Mỹ tuy đang phục hồi nhưng vẫn khá “mong manh”. Đó là một trong những lý do khiến không ít chuyên gia kinh tế dự đoán, nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng trở lại thời kỳ suy thoái. Tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ không thật sự khởi sắc cho tới năm 2014, và sẽ giảm dần xuống ở mức 1,8% năm 2012; Oa-sinh-tơn cần có một chính sách hiệu quả để kích thích tài chính trong một tương lai gần, và giảm thâm hụt ngân sách trong thời gian tới.
Tăng trưởng dịch chuyển sang phía đông, Nhà kinh tế G.Li-ông thuộc Ngân hàng Standard Chartered, có trụ sở tại Anh dự đoán, viễn cảnh kinh tế toàn cầu đang đi theo hai tốc độ khác nhau và có xu hướng dịch chuyển sang phía đông. Khi nền kinh tế châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái, thì các quốc gia châu Á, đi đầu là Trung Quốc, sẽ giữ vai trò thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, châu Âu có thể kéo kinh tế thế giới đi xuống trong những tháng đầu năm 2012, song tăng trưởng tại châu Á và Trung Quốc sẽ kéo mọi thứ trở lại quỹ đạo vào cuối năm.
2012 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới. “Nếu gã khổng lồ châu Âu hắt hơi, tất cả sẽ bị cảm cúm”. Điều này cho thấy, tăng trưởng GDP của châu Âu, chứ không phải là Mỹ, hiện đóng vai trò quan trọng để đưa kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại.
Theo Nhandan
Ý kiến ()