Dự báo nhập siêu năm 2017 ở mức 5 tỷ USD
Sáng 14-7, Bộ Côngthương đưa ra dự báo, xuất khẩu trong sáu tháng cuối năm 2017 sẽ tăng cao đối với một số mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng như dệt may, giày dép, đồ gỗ.
Tại buổi họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải giải thích, nhập khẩu máy móc thiết bị đã tăng rất cao trong những tháng đầu năm do việc giải ngân của một số dự án nên sẽ giảm dần vào các tháng cuối năm. Dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng hơn 13% so với năm 2016, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Nhập khẩu năm 2017 sẽ ở mức 205 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2016. Như vậy mức nhập siêu của 2017 sẽ khoảng 5 tỷ USD, bằng 2,5% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức cho phép của Quốc hội.
Thương mại nội địa dự kiến vẫn tiếp tục xu hướng tăng tốt, đặc biệt trong dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng tăng cao, dự kiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 ước đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm 2016.
Đánh giá về kết quả sáu tháng đầu năm 2017, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm đạt 97,7 tỷ USD, tăng 18,8% và là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2016, do được cả về giá, mà chủ yếu là nhóm hàng nhiên liệu, nông sản và tăng cả về lượng, trong đó chủ yếu là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo và khoáng sản.
Đáng chú ý là sự tăng trưởng cao, bứt phá của nhóm rau quả với mức tăng tới 43,5% và nhóm thủy sản tăng 16,7%, với kim ngạch cao hơn một tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo cũng có sự tăng trưởng trở lại nhờ vào các thị trường truyền thống như Malaysia, Bangladesh, Trung Quốc sau một thời gian dài gặp khó khăn.
Đóng góp vào thành công về tăng trưởng của nhóm hàng nông lâm thủy sản là do công tác phát triển và mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ kết quả của các đoàn ngoại giao cấp cao của nước ta. Chẳng hạn, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ đã cho phép nhập khẩu thanh long, chôm chôm, nhãn, vải ….; Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand cũng mở cửa cho thanh long, xoài; Australia đã cấp phép cho nhập khẩu vải và xoài ….
Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm, chúng ta cũng đã nhập khẩu tăng quả tăng mạnh do một số loại trái cây của Việt Nam chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, và đơn giản hóa thủ tục khiến giá trái cây nhập khẩu giảm…
Theo Nhandan
Ý kiến ()