Dự báo lạc quan về thị trường lao động châu Âu
Tổ chức Lao động Quốc tế ngày 28/1 dự báo, hơn 2,1 triệu người sẽ có cơ hội tìm được việc làm trong giai đoạn từ nay đến giữa năm 2018 trong khuôn khổ kế hoạch đầu tư 3 năm được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đưa ra.
Báo cáo của ILO với tên gọi: “Một chiến lược đầu tư hướng tới việc làm cho châu Âu” chỉ ra rằng, các nỗ lực đầu tư phối hợp của cả khu vực công và tư nhân trị giá 315 tỷ Euro sẽ có thể tăng cường khả năng cạnh tranh của châu Âu và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm. Tuy nhiên, thành công có thể đạt được hay không phụ thuộc vào cách chương trình này được thiết kế.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu của ILO Raymond Torres chỉ ra rằng kế hoạch này “có thể được bổ sung các biện pháp tiền tệ được Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố gần đây, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm”.
Tuy nhiên, để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, kế hoạch trước tiên phải có một phần đáng kể của đầu tư tư nhân, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhỏ thường tạo ra công ăn việc làm. Thứ hai, cần giải quyết sự chênh lệch rất lớn trong tỷ lệ thất nghiệp trên toàn EU, nhằm để cho các nền kinh tế cần nhất được hưởng lợi từ các quỹ này. Trong trường hợp không có hai điều kiện này thì kế hoạch sẽ không hoặc thúc đẩy được rất ít tình hình việc làm trong EU.
Ngoài ra, điều quan trọng là kế hoạch này được đi kèm với một chiến lược việc làm dài hạn ưu tiên cho các việc làm có chất lượng và các cải cách bình đẳng.
Kế hoạch đầu tư này được đưa ra vào một thời điểm mà tình hình việc làm tại châu Âu vẫn còn mong manh và không đồng đều.
Tính trung bình, tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 10%, cao hơn 3 điểm phần trăm so với tỷ lệ trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Thêm vào đó, gần một nửa số người yêu cầu việc làm là người đã thất nghiệp kể từ hơn một năm. Phụ nữ và thanh niên đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, còn có sự khác biệt rất lớn giữa các quốc gia, với tỷ lệ thất nghiệp cao liên tục trong miền Nam châu Âu và trong nhiều khu vực của Trung Âu. Trong quý 3/2014, tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 23% ở Tây Ban Nha và 25% ở Hy Lạp. 3 năm trước đây, hai quốc gia này cũng có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 8%.
“Điều này đã dẫn đến chi phí kinh tế và xã hội rất lớn; những tác động tồi tệ nhất đã xảy ra ở miền Nam châu Âu nhưng các hộ gia đình và những người lao động đã phải chịu đựng trong toàn khu vực” – bà Sandra Polaski, Phó Giám đốc ILO phụ trách các chính sách nhấn mạnh. “Sự cấp bách giải quyết những thiệt hại này đang tăng lên từng ngày”.
Những người đã bị tước mất công ăn việc làm trong thời gian dài có nhiều khả năng trở nên chán nản và rời khỏi thị trường lao động. Tại châu Âu, nhu cầu việc làm thấp đang ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh, từ đó có thể làm giảm khả năng cạnh tranh.
Với sự suy giảm của kỹ năng, năng lực làm việc của người lao động đang xấu đi và điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn để tìm một công việc vào thời điểm thị trường lao động vẫn chưa mấy khởi sắc. Điều này đặc biệt đúng đối với những người trẻ tuổi.
Theo CPV
Ý kiến ()