Dự báo chính xác nguồn thu để khai thác tăng thu ngân sách
Cán bộ Cục Thuế TP Hà Nội triển khai thu thuế tại các hộ kinh doanh. Ảnh: THU HIỀN Năm 2012 được ngành thuế dự báo là năm mà tình hình thu ngân sách khó khăn nhất trong vòng năm năm gần đây. Sáu tháng đầu năm, toàn ngành chỉ có 23 trong số 63 địa phương đạt số thu hơn 48% dự toán (mức có thể bảo đảm được dự toán pháp lệnh), 40 địa phương còn lại đều không đạt số thu này. Với tiến độ thu thuế như vậy, ngành thuế cần thực hiện những giải pháp quyết liệt mới có thể hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2012.Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, kết quả thu ngân sách sáu tháng đầu năm 2012 do ngành thuế quản lý ước đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán pháp lệnh và bằng 45,5% dự toán phấn đấu. Đây là năm có số địa phương chưa bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán cao nhất trong nhiều năm qua, khi có tới 30 địa phương có số thu dưới 45% dự toán, trong đó có các địa bàn kinh tế trọng...
![]() Cán bộ Cục Thuế TP Hà Nội triển khai thu thuế tại các hộ kinh doanh. Ảnh: THU HIỀN |
Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, kết quả thu ngân sách sáu tháng đầu năm 2012 do ngành thuế quản lý ước đạt gần 280 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán pháp lệnh và bằng 45,5% dự toán phấn đấu. Đây là năm có số địa phương chưa bảo đảm tiến độ thực hiện dự toán cao nhất trong nhiều năm qua, khi có tới 30 địa phương có số thu dưới 45% dự toán, trong đó có các địa bàn kinh tế trọng điểm như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Số thu sáu tháng đạt thấp được lý giải chủ yếu do tăng trưởng kinh tế thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do lượng hàng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn; nhiều DN phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động. Một số mặt hàng có đóng góp số thu lớn cho ngân sách như ô-tô, xe máy, hàng điện tử… sức tiêu thụ rất chậm do sức mua giảm. Thị trường nhà đất trầm lắng kéo dài, việc triển khai đấu giá đất tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng nên thu ngân sách từ đấu giá tiền sử dụng đất đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011. Ngoài ra, còn có yếu tố giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan nêu trên, ngành thuế cũng thẳng thắn nhìn nhận có nhiều nguyên nhân chủ quan tác động tới số thu ngân sách trong sáu tháng qua. Đáng quan ngại là công tác đánh giá, phân tích để dự báo tình hình thu trong từng thời điểm có lúc chưa sát thực tế, chưa tích cực, đã làm hạn chế hiệu quả chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan thuế các cấp, chưa ngang tầm với yêu cầu chung. Ngay cả việc nắm bắt, đánh giá tình trạng hoạt động của DN cũng chưa kịp thời, ở một số thời điểm còn có những số liệu báo cáo sai lệch, Phó Tổng cục trưởng Thuế Cao Anh Tuấn cho biết.
Không chỉ vậy, các hạn chế khác cũng rất cần được lưu tâm: tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đạt thấp (chỉ đạt 31,4% kế hoạch thanh tra, 25,8% kế hoạch kiểm tra); nợ đọng thuế tăng cao: so cuối năm 2011 tăng hơn 45%, so cùng kỳ tăng tới 59%. Các địa phương có mức nợ đọng rất cao là Thừa Thiên – Huế tăng hơn 10 lần, Ninh Bình tăng 329%, Quảng Trị tăng 173%, Thái Bình tăng 129%, Tuyên Quang tăng 112%, Bình Dương tăng 89%… Rõ ràng, dư địa để tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) là khá lớn nếu như ngành thuế quyết liệt đẩy mạnh thu hồi, xử lý nợ đọng thuế.
Cục trưởng Thuế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đình Tấn cho biết, dư địa thu NSNN tại địa bàn này là có và khá lớn, nhưng do không có nguồn nhân lực cho nên không thể thực hiện kiểm tra đầy đủ việc chấp hành chính sách thuế được. Cục thuế thành phố lớn nhất cả nước này chỉ có gần 4.000 cán bộ trong tổng số 40 nghìn cán bộ toàn ngành, trong khi đó phải đảm nhiệm công việc bằng 25% số thu NSNN của cả nước. 'Đơn cử như việc quyết tâm kiểm tra, kiểm soát việc xuất hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại các nhà hàng, khách sạn lớn của thành phố cũng sẽ đem lại nguồn thu lớn, bởi trên địa bàn quận 1 vừa qua, chỉ tính riêng việc kiểm tra thử một, hai hóa đơn trong một lần kiểm tra tại 85 đơn vị có sổ sách kế toán nhưng không xuất hóa đơn đã thu về cho NSNN 1,6 tỷ đồng; kiểm tra tại bàn cũng đã thu được hơn một trăm tỷ đồng, nhưng do không đủ cán bộ, đơn vị đành chịu, không triển khai mạnh được ra các địa bàn khác' – Cục trưởng Nguyễn Đình Tấn khẳng định.
Không chỉ thiếu nguồn nhân lực, mà ngành thuế hiện còn phải đối mặt với việc bố trí nguồn lực chưa hợp lý khi chưa tập trung nguồn lực cho các chức năng quản lý thuế chính (nhất là công tác thanh tra, kiểm tra); chất lượng cán bộ còn yếu, chưa đủ sức đảm đương công việc, nhất là đối với các ngành kinh tế đặc thù, một số ngành mới có dư địa thu NSNN lớn như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, các định chế tài chính khác, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng… Đây là ý kiến của hầu hết tất cả các cục thuế địa phương.
Như vậy, trong điều kiện nhiều khó khăn, nhiệm vụ thu NSNN của ngành thuế là rất nặng nề. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn chung cũng có những yếu tố thuận lợi có thể làm tăng nguồn thu cho NSNN như lượng giải ngân các nguồn vốn trong những tháng cuối năm tăng hơn 70%; việc tăng tổng cầu do chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mua sắm, chi tiêu công… với số vốn ước khoảng 76 nghìn tỷ đồng được giải ngân từ nay đến cuối năm… Vì vậy, ngành thuế xác định rõ bốn nhiệm vụ cho công tác thuế sáu tháng cuối năm, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, quyết liệt đôn đốc thu là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là tập trung chỉ đạo quản lý khai thác tăng thu đối với các nguồn thu còn tiềm năng, bù đắp nguồn thu bị thiếu hụt.
ĐỂ thực hiện nhiệm vụ, toàn ngành đã đồng thuận đẩy mạnh việc thực hiện 19 giải pháp cụ thể, trong đó dự báo chính xác nguồn thu được xác định là cơ sở để có phương án khai thác tăng thu cho năm 2012, vừa phục vụ cho công tác xây dựng dự toán thu NSNN năm 2013. Bên cạnh các giải pháp nghiệp vụ cụ thể, yêu cầu cấp thiết đặt ra với toàn ngành là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, coi công tác này là giải pháp có tính mở đường cho việc thực thi các nghiệp vụ quản lý thuế. Ngành cũng cần làm tốt công tác thi đua, tôn vinh cả người làm công tác thuế và người chấp hành tốt pháp luật thuế, nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong ngành, xây dựng hình ảnh ngành thuế thân thiện gần gũi với người dân, DN… Chỉ khi hoạt động chỉ đạo, điều hành được thực hiện một cách quyết liệt, cùng với sự đoàn kết, thống nhất cao trong tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ, công nhân viên toàn ngành thì ngành thuế mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay.
Theo Nhandan

Ý kiến ()