Dự án thép tỷ đô-la "treo" bảy năm
Nằm giữa "khu đất vàng" trong Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Nhà máy thép Quang Lian Dung Quất được khởi công từ năm 2007, với vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD. Thế nhưng sau bảy năm, "siêu dự án" này vẫn nằm trên giấy, không những gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn KKT Dung Quất.
Nằm giữa “khu đất vàng” trong Khu kinh tế (KKT) Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Nhà máy thép Quang Lian Dung Quất được khởi công từ năm 2007, với vốn đầu tư lên đến 4,5 tỷ USD. Thế nhưng sau bảy năm, “siêu dự án” này vẫn nằm trên giấy, không những gây thiệt hại về kinh tế cho địa phương mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn KKT Dung Quất.
Dự án “treo” nhiều năm
Tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần “bóp bụng” bố trí hàng trăm tỷ đồng vốn ngân sách để đền bù, giải phóng mặt bằng, giao cho chủ đầu tư triển khai dự án. Tỉnh cũng đã tổ chức hàng chục buổi làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, yêu cầu báo cáo năng lực tài chính cũng như biện pháp triển khai xây dựng Nhà máy thép Quang Lian Dung Quất nhưng đến nay đều chưa có tiến triển gì. Dự án này đã được cấp phép từ năm 2006 do Tập đoàn Tycoons (Ðài Loan) đầu tư với số vốn hơn một tỷ USD; sau đó, đã điều chỉnh năm lần về quy mô, công suất, thiết kế với tổng vốn giai đoạn đầu lên đến 4,5 tỷ USD. Quy mô dự án hơn 700 ha nằm ở vị trí đắc địa, được xem là “khu đất vàng” trong KKT Dung Quất. Tuy nhiên, hơn bảy năm qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.
Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất Lê Văn Dũng cho biết: “Dự án kéo dài không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn làm thiệt hại về kinh tế cho nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nhà đầu tư đã nhiều lần “thất hứa”, xin lùi thời hạn khởi công để tìm đối tác liên doanh, chạy vốn. Mới đây, đại diện chủ đầu tư cam kết đến tháng 7-2014 dự án sẽ được khởi công, thay vì tháng 7-2013 như đã cam kết trước đó, nhưng đến bao giờ mới hoàn thành giai đoạn 1 thì nhà đầu tư vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Trước mắt, dự án này vẫn còn “nằm trên giấy”, chúng tôi đã gửi báo cáo lên UBND tỉnh và tỉnh xin ý kiến chỉ đạo từ các bộ, ngành Trung ương để tìm hướng xử lý. Hiện nay, Công ty TNHH Quang Lian Steel Việt Nam cũng đã báo cáo với Ban quản lý về việc JFE Steel muốn tham gia dự án này, nhưng vẫn chưa có công văn chính thức về việc xin điều chỉnh bổ sung thêm đối tác của dự án thép Quang Lian cũng như điều chỉnh quy hoạch của dự án. Ðây có lẽ chỉ là phương án đối phó của chủ đầu tư để kéo dài thời gian, tìm đối tác chuyển nhượng dự án”.
Giữa tháng 5, chúng tôi đi trong KKT này nhìn thấy một khu đất hoang, cỏ mọc tràn lan, lác đác vài trụ thép tròn, một số đoạn tường rào bằng dây thép gai ngả nghiêng và một bức tường bê-tông cắt đứt con đường từ phía đông sang tây của KKT Dung Quất. Việc chặn con đường này trong gần chục năm qua đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân đi lại, sản xuất và sinh hoạt. Ngày ngày, hàng nghìn lượt người lao động, người dân từ các xã phía tây huyện Bình Sơn phải lội nước bì bõm, lùa đàn bò qua mương thoát nước sâu bên bờ tường chắn của dự án thép này. Nhiều người dân ở thôn Tân Hy, xã Bình Ðông bức xúc nói: “Bao nhiêu năm rồi, hàng trăm ha đất thu hồi của dân bỏ hoang, nhà máy chưa triển khai mà đã xây tường cao bịt lối đi, gây trở ngại lớn cho người dân đi lại. Không chỉ xây tường chắn lối đi, nhà đầu tư còn đào mương thoát nước bên cạnh rất nguy hiểm cho người dân”.
Không những người dân ở đây chịu cảnh gian nan mà hàng chục doanh nghiệp đóng trên địa bàn Dung Quất đã thiệt hại kinh tế đáng kể. Giờ đây, xe vận chuyển gỗ dăm về cảng Dung Quất đưa lên tàu xuất khẩu phải tốn thêm 45.600 đồng mỗi chuyến. Mỗi ngày có ít nhất 500 chuyến xe chở dăm gỗ về cảng, tính ra phải tốn kém 22,8 triệu đồng (đó là chưa kể chi phí hao hụt phải đi đường vòng xa thêm hơn 4 km). Giám đốc Công ty xuất khẩu dăm gỗ Dung Quất Nguyễn Nỵ cho biết: Từ khi Nhà máy thép Quang Lian Dung Quất cắt đường ra cảng thì nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Mỗi ngày, các công ty sản xuất hàng xuất khẩu ở khu tây Dung Quất phải mất hàng chục triệu đồng tiền xăng do vận chuyển hàng đến cảng Dung Quất phải đi đường vòng, xa hơn hàng chục cây số. Nhiều doanh nghiệp trong KKT Dung Quất đề nghị chủ đầu tư đập bỏ bức tường, bảo đảm lưu thông hàng hóa qua cảng Dung Quất… Theo quy hoạch của Ban quản lý KKT Dung Quất, khi dự án thép Quang Lian triển khai, phương tiện vận tải của các doanh nghiệp sẽ lưu thông trên tuyến đường Trị Bình – cảng Dung Quất. Hiện nay tuyến đường này chưa triển khai cho nên việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp phía tây KKT Dung Quất đang gặp nhiều trở ngại…
Người dân vùng dự án “kêu cứu”
Dự án Nhà máy thép Quang Lian Dung Quất chậm triển khai đã kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân trong vùng dự án. Có đất nhưng không sản xuất được; có đường nhưng bị bịt lối đi; nhà hỏng, xuống cấp cũng không dám sửa chữa… Ðó là tình cảnh của nhiều hộ dân ở xã Bình Ðông, huyện Bình Sơn. Họ là những hộ dân nằm trong vùng quy hoạch dự án Nhà máy thép Quang Lian. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Ðông Nguyễn Văn Thanh cho biết: Có khoảng 300 hộ dân nằm trên địa bàn xã, chấp nhận nhường 220 ha đất cho dự án, phần lớn đều làm nông. Nhiều gia đình chuyển đến sinh sống ở khu tái định cư hiện tại vẫn chưa có việc làm ổn định và thiếu đất canh tác. Nhà đầu tư hứa hẹn sau khi dự án hoàn thành sẽ ưu tiên tạo việc làm cho những hộ gia đình nằm trong diện đền bù, giải tỏa, thế nhưng lời nói không đi kèm với hành động. Dự án tỷ đô-la vẫn đang “ngủ đông”, trong khi hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh mất đất, không có việc làm ổn định. Một người dân ở thôn Tân Hy, xã Bình Ðông, huyện Bình Sơn nói: “Vì sự phát triển chung, người dân chấp nhận nhường đất cho dự án, nhưng ai ngờ dự án ì ạch thế này. Từ khi bị thu hồi đất, hàng nghìn người ở đây thiếu đất sản xuất, trong khi đó hơn 700 ha đất dự án bỏ hoang, chỉ thả bò gặm cỏ, ai mà không xót. Nếu tính mỗi năm hai vụ lúa, một mùa khoai lang, trung bình mỗi sào lúa (500 m2) thu hoạch khoảng 500 kg lúa, mỗi sào khoai lang thu khoảng một tấn thì gộp lại bảy năm qua không biết mất đi biết bao nhiêu lúa, khoai của dân”. Nếu dự án này còn “treo” và cứ bắt dân chịu đựng mãi thế này thì nguy cơ tái nghèo đối với bà con ở đây là rất cao.
Có thể thấy, nhiều hộ dân ở xã Bình Ðông, nơi quy hoạch vùng dự án đang rơi vào tình cảnh khó khăn trăm bề. Người dân nơi đây được Ban quản lý KKT Dung Quất tiến hành kiểm kê, áp giá đền bù, bàn giao đất cho dự án thép Quang Lian, nhưng họ đợi hoài cũng không thấy đền bù hay di dân đến nơi ở mới. Hiện nay nhiều gia đình, nhà cửa bị mưa, gió làm hư hại, xuống cấp, nhưng cũng không được phép xây dựng. Từ đó đến nay, người dân ở đây luôn “dài cổ” chờ dự án triển khai để mong đổi đời, nhưng càng chờ đợi càng mất niềm tin. Dự án thép tỷ đô-la vẫn “treo” và không biết treo đến bao giờ? Các ngành chức năng của tỉnh Quảng Ngãi cần sớm vào cuộc, nhanh chóng giải quyết những bức xúc của người dân trong vùng dự án nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()