Dự án thành phần 2 cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn: Chính quyền luôn đồng hành cùng nhà đầu tư
– Trong thời gian gần đây, có thông tin cho rằng UBND tỉnh Lạng Sơn đã gây khó khăn cho nhà đầu tư thực hiện dự án thành phần 2 cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng khiến dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, thực tế là do nhà đầu tư khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn để triển khai dự án và UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý dự án đã cùng nhà đầu tư tìm các giải pháp tháo gỡ để dự án tiếp tục được triển khai theo kế hoạch.
Các nhà thầu thi công thử mặt đường bê tông nhựa dự án thành phần 1 cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đoạn thành phố Bắc Giang-Chi Lăng (ảnh tư liệu năm 2018)
Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn nằm trong quy hoạch đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng kết nối đường bộ giữa Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.
Theo đó, dự án được chia làm hai dự án thành phần bao gồm: dự án thành phần 1 đoạn từ km 45 100 thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng đến km 108 500 thuộc thành phố Bắc Giang kết hợp tăng cường mặt đường quốc lộ 1A đoạn km 1 800 đến km 106 500 thuộc hai tỉnh: Bắc Giang và Lạng Sơn; dự án thành phần 2 từ km 1 800 thuộc khu vực Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị đến km 44 749 thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng.
Trong đó, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án-DNDA) làm chủ đầu tư thực hiện dự án thành phần 1 và Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị (DNDA) tham gia thực hiện dự án thành phần 2. Trong đó dự án thành phần 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác từ đầu năm 2020.
Đối với dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng, sau khi nhà đầu tư ký hợp đồng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền vào giữa năm 2018, đến tháng 10/2018, các nhà đầu tư vẫn chưa thể ký kết hợp đồng với các tổ chức tín dụng về tài trợ vốn cho dự án.
Do chưa thể thu xếp vốn cho dự án, đến đầu tháng 3/2019, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị đã có văn bản gửi UBND thành phố Lạng Sơn; huyện Cao Lộc và huyện Chi Lăng về việc tạm dừng phê duyệt phương án bồi thường tái định cư dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng (thời điểm bấy giờ các huyện, thành phố đã kiểm đếm xong và đã chi trả giải phóng mặt bằng được 8,5 km/43 km của đoạn tuyến tương đương 20% kế hoạch).
Dự án thành phần 1 cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đoạn thành phố Bắc Giang- Chi Lăng thực hiện thông tuyến tháng 9/2019 (ảnh tư liệu chụp tháng 9/2019)
Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho dự án, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản và nhiều lần cùng nhà đầu tư làm việc với các ngân hàng để thúc đẩy việc thu xếp vốn cho dự án. Đồng thời, UBND tỉnh cũng tham khảo các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông do Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai đều có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Từ đó, UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo đảm khả thi về phương án tài chính cho dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng.
Đến tháng 6/2020, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phương án tài chính dự án thành phần 2 có sự tham gia của vốn ngân sách Nhà nước khoảng 4.000 tỷ đồng gồm vồn ngân sách địa phương 1.000 tỷ và vốn trung ương 3.000 tỷ đồng. Ngày 2/4/2021, Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến kế hoạch vốn hỗ trợ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 – 2025 cho dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng 2.500 tỷ đồng.
Về mặt thủ tục hồ sơ, khi dự án được triển khai có sự tham gia vốn từ ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng nhà đầu tư thực hiện hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ pháp lý điều chỉnh dự án theo quy định.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3/2021, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư mới được ban hành. Tiếp đó, ngày 1/9/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành quyết định số 1454/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến 2050, trong đó quy định quy mô đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là 6 làn xe.
Do đó, phương án đầu tư dự án thành phần 2 cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng quy mô 4 làn xe không còn phù hợp, chính vì vậy, UBND tỉnh và nhà đầu tư phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần. Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung hồ sơ gửi Hội đồng thẩm định liên ngành của Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, trong suốt quá trình thực hiện dự án, UBND tỉnh Lạng Sơn đã luôn đồng hành cùng nhà đầu tư để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn và xây dựng phương án tài chính khả thi và hoàn thiện hồ sơ để dự án được thực hiện theo lộ trình đề ra và thông tin UBND tỉnh gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án là không chính xác.
Ông Phạm Minh Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị (doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án cao tốc Hữu Nghị – Chi Lăng) khẳng định: Trong bối cảnh tỉnh Lạng Sơn còn nhiều khó khăn thì riêng việc tỉnh cam kết bố trí từ ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện dự án đã thể hiện trách nhiệm của địa phương đối với sự phát triển chung của cả nước. Không những vậy, suốt gần 3 năm qua, tỉnh cũng luôn đồng hành cùng với các nhà đầu tư tìm mọi cách để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho dự án cho thấy quan điểm nhất quán của địa phương là luôn sát cánh cùng nhà đầu tư. Vì vậy, một số thông tin cho rằng trong thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn gây khó khăn cho nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án cao tốc đoạn Hữu Nghị – Chi Lăng là không có cơ sở.
Để thúc đẩy dự án, hiện UBND tỉnh đang bám sát hướng dẫn của các bộ, ngành sớm hoàn thiện hồ sơ dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện các bước tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2022 – 2025 sẽ hoàn thành đầu tư dự án theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.
Ý kiến ()