Thứ 7, 05/04/2025 19:30 [(GMT +7)]
Dự án thanh long ở Tân Liên: "Rồng xanh" chưa ngủ yên
Thứ 5, 23/06/2011 | 08:45:00 [(GMT +7)] A A
Cho đến nay có thể khẳng định dự án thanh long đã không còn tồn tại, vậy hãy cho rồng xanh ngủ yên. Tất nhiên các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm và bài học kinh nghiệm, giải quyết dứt điểm tồn đọng, có như vậy mới tạo được môi trường đầu tư lành mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
LSO-Tháng 3/2009, dự án trồng cây thanh long trên đất Tân Liên huyện Cao Lộc được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm sản Hoàng Anh (Lạng Sơn) chính thức khởi động. Sau hơn 2 năm, dự án đã không còn tồn tại. Tuy nhiên sau sự đổ vỡ của dự án, bao điều đặt ra cho người dân, nhà quản lý và doanh nghiệp.
![]() |
Cột đỡ thanh long nằm rải rác trong các hộ dân |
Rồng xanh vang bóng một thời
Có thể nói dự án trồng thanh long trên đất Tân Liên, huyện Cao Lộc là một dự án táo bạo nhất từ trước đến nay ở Lạng Sơn. Táo bạo ở đây là thanh long mới chỉ trồng thành công ở các tỉnh phía Nam, còn phía Bắc bài toán đưa thanh long vào đại trà vẫn chưa có lời giải. Điểm sơ sơ các dự án thanh long trên đất Bắc như ở Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương không sớm thì muộn cũng phá sản. Nhà đầu tư đành kết luận thanh long hình như không hợp với đất Bắc. Thế nhưng thực tế thanh long được người dân trồng nhỏ lẻ vẫn đậu quả, điều đó đã khiến Công ty Hoàng Anh quyết tâm đầu tư trồng thanh long ở Tân Liên. Tháng 3/2009, công ty thuê đất của dân với giá đất vườn là 1 triệu đồng, đất ruộng 1,2 triệu 1 năm/1 sào. Tổng diện tích đất thuê gần 6 ha. Với diện tích hạn hẹp như ở Tân Liên việc bỏ ra 6 ha đất bờ xôi ruộng mật không phải là chuyện nhỏ. Nên câu chuyện trồng thanh long trở thành chuyện thời sự ở đây, đi đâu người ta cũng bàn tán. Viễn cảnh một vùng thanh long với những trái đỏ lựng làm người dân quên đi nghi ngại, họ vui vẻ cho thuê đất. Cũng rất sòng phẳng, ngay khi ký kết hợp đồng, công ty đã thanh toán số tiền thuê đất 1 năm cho dân, tầm 200 triệu đồng. Rất nhanh công ty đúc cọc bê tông làm chỗ cho cây leo, thuê nhân công và tạo ra mô hình hệt như một trang trại. Hạch toán toàn bộ tiền đầu tư, thuê đất, giống, nhân công mỗi năm công ty phải bỏ ra ngót 2 tỷ đồng. Từ tháng 4/2009, công ty trồng đại trà cây thanh long. Khi mới trồng những mầm thanh long mọc nhanh và tốt khiến cho cả công ty và người dân như vui hẳn lên, viễn cảnh đổi mới đang hiện ra như một bức tranh đầy sắc màu. Sang năm 2010, cây thanh long đang phát triển đều thì trận rét đậm, rét hại đã phá tan luôn giấc mộng “rồng xanh”. Nguyên nhân cây thanh long chết là do lạnh, do kỹ thuật chăm bón chưa tốt nên chỉ một thời gian ngắn cánh đồng thanh long rộng 6 ha trở nên tiêu điều. Đa phần thanh long chết, cây sống sót chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo người dân, do thấy không thể tồn tại được, chủ doanh nghiệp bỏ cả cánh đồng thanh long ra đi không hẹn ngày gặp lại, điện thoại cũng ngừng liên lạc và hệ lụy bắt đầu nảy sinh từ hậu thanh long. Khi chủ doanh nghiệp bỏ đi người dân tiếc đất sản xuất và họ phá nốt những gì sót lại trên đồng để trồng ngô. Theo ông Đặng Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, ông rất tiếc cho dự án, vì đây là một dự án táo bạo, nếu thành công sẽ chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Nhưng không thể ngăn được người dân khi đất của họ, thanh long đã chết, chủ doanh nghiệp thì chưa thanh toán tiền năm 2011. Vậy là một cuộc tranh giành những gì còn lại của thanh long diễn ra. Những ngày ấy người dân tranh nhau đi lấy cột bê tông làm giàn cho thanh long, mạnh ai nấy phá, chỉ trong vòng vài ngày cánh đồng thanh long xưa không còn vết tích. Khi chúng tôi đến ,di vật cuối cùng của dự án thanh long là những cây cột bê tông nằm từng đống ở các hộ cho thuê đất. Tìm mãi cả cánh đồng thanh long còn sót lại mỗi cây còi cọc, vươn những dải gai tua tủa như muốn kêu cứu.
![]() |
Cây thanh long còn sót lại ở Tân Liên |
Hệ lụy thanh long
Dự án đã đổ vỡ chắc chủ doanh nghiệp Hoàng Anh không mốn nhắc lại nhưng chúng tôi vẫn cần nhắc để cảnh báo rằng. Khi đầu tư cần có sự thẩm định kỹ, nhất là trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, ở đây sự rủi ro sẽ rất cao, điều kiện thời tiết biến đổi khí hậu là những trở ngại không dễ gì khắc phục được. Thứ nữa là người dân họ chưa sẵn sàng cho một dự án mới mẻ. Chị Chu Thị Thành, dân xã Tân Liên khẳng định, có biết thanh long là gì đâu? Thấy bà con cho thuê đất mình cũng cho, tính ra cũng bằng công mình làm nhưng được cái cho thuê đất đỡ vất vả. Chuyện vất vả đâu chưa biết nhưng ngày 2/6/2011, Chi cục Thuế Cao Lộc gửi giấy thông báo thuế, số thuế chị phải nộp là 735 ngàn đồng, cộng tất cả các hộ dân số thuế tương đương 40 triệu đồng. Người dân không hiểu sao mình phải nộp thuế, vì trong hợp đồng không ghi rõ nên họ bất bình. Tìm chủ doanh nghiệp để hỏi nhưng biết đâu mà tìm. Trong khi ấy người dân vẫn phải đối mặt với bản hợp đồng cho thuê đất 15 năm. Số thuế sẽ được ấn định trong 15 năm. Câu chuyện về thuế, về sự nghi ngại đầu tư giống cây mới đang làm người dân Tân Liên ngơ ngác, mỏi mệt.
Cho đến nay có thể khẳng định dự án thanh long đã không còn tồn tại, vậy hãy cho rồng xanh ngủ yên. Tất nhiên các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm và bài học kinh nghiệm, giải quyết dứt điểm tồn đọng, có như vậy mới tạo được môi trường đầu tư lành mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đông Bắc

Poll
Ý kiến ()