Dự án Quân dân y phối hợp - Dấu ấn quân hàm xanh
LSO-Bằng dự án Quân dân y phối hợp từ những năm trước và các trạm quân dân y được thành lập mới theo Quyết định số 530-UBND, ngày 27/4/2013 của UBND tỉnh, các trạm xá quân dân y đã phát huy được năng lực của mình trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân biên giới.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tú – chiến sĩ quân y đồn Biên phòng Thanh Lòa (Cao Lộc) hướng dẫn phụ nữ địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh |
Dù bận rất nhiều công việc, song theo lịch hằng tháng, từng tuần hoặc có công việc đột xuất của trạm y tế địa phương, chiến sĩ quân y Đỗ Văn Trình, Đồn Biên phòng Chi Ma lại cùng cán bộ nhân viên y tế xã Yên Khoái (Lộc Bình) xuống cơ sở. Khi thì cùng nhau trèo đèo ngược lên Mẫu Sơn, khi lội suối sang Tú Mịch để vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng; khi lại cùng đội vận động quần chúng đến từng thôn bản tuyên truyền giải thích cho bà con xã Yên Khoái không tham gia vận chuyển gia cầm nhập lậu… Khi được thông báo có đợt tuyên truyền cung cấp các dịch vụ KHHGĐ tại địa phương, chiến sĩ quân y Nguyễn Ngọc Tú, Đồn Biên phòng Thanh Lòa (Cao Lộc) lại đội mưa cùng y tế xã đi từng thôn bản giáp biên vận động chị em phụ nữ đến trạm y tế xã để khám, phát hiện và điều trị bệnh phụ khoa. Trong lúc phát tờ rơi cho chị em, anh nói với chúng tôi: “Ngoài nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ của đồn, chúng em không thể lơ là công tác quân dân y kết hợp”. Bàn chân anh đã đặt đến hầu hết các thôn bản, từng gia đình, nhất là các thôn bản giáp biên, nơi nhiều người dân thường hay vượt biên sang Trung Quốc làm thuê ngắn hạn, vừa để giải thích vận động, vừa phổ biến cho bà con cách sơ cứu thông thường khi lên rừng làm củi, hoặc phát dọn nương rẫy… Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đình Vinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thanh Lòa cho biết, bình yên nơi biên giới chính là từng người dân khỏe mạnh, sản xuất tiến bộ để thúc đẩy sự phát triển chung trên địa bàn. Vì vậy, từ các hoạt động định kỳ, thường xuyên đến hoạt động đột xuất, cấp ủy, chỉ huy đồn luôn tạo điều kiện tốt nhất để quân y xuống cơ sở, phối hợp với cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ. Ghi nhận những cố gắng của quân y đồn, ông Mã Thế Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lòa nói rằng, những thành tích của y tế xã Thanh Lòa không thể tách rời hiệu quả của sự phối hợp này.
Làm việc với Trung tá Nguyễn Huy Muôn, Trợ lý quân y thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, chúng tôi được biết, với 12 trạm quân dân y kết hợp (gồm những trạm đã thành lập từ lâu và những trạm mới thành lập) và 1 phòng khám quân dân y tại Đồn Biên phòng Pò Mã (Tràng Định), lực lượng quân y đã thực hiện tốt quy chế phối hợp, cùng với lực lượng dân y làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân các xã biên giới. Trong năm 2013, lực lượng quân y các đồn đã phối hợp tuyên truyền gần 3000 lượt người, nhất là các đợt tuyên truyền về dịch cúm A H5N1, cúm A H7N9 để người dân biên giới nhận biết được mức độ nguy hiểm của nó. Thực hiện phối hợp tiêm chủng mở rộng cho 3219 lượt trẻ em trong độ tuổi và phụ nữ; khám và điều trị cho 1896 lượt người, trong đó cấp cứu 51 ca. Ngoài ra, nội dung tuyên truyền về y tế và sức khỏe luôn có trong chương trình hoạt động của các đội vận động quần chúng. Ngoài công tác phối hợp thường xuyên tại các địa phương, quân y Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã mở các đợt cao điểm về cơ sở tuyên truyền và trực tiếp khám chữa bệnh cho bà con như đến xã Tú Mịch (Lộc Bình) tuyên truyền cho trên 500 lượt người dân, khám và cho 320 người, cấp thuốc miễn phí cho 230 người với tổng trị giá gần 30 triệu đồng tiền thuốc chữa bệnh. Phải nói rằng, cùng với các hoạt động khác, mô hình quân dân y phối hợp đã thực sự mang lại hiệu quả và là một “kênh” làm nên hình ảnh đẹp đẽ của những anh bộ đội Cụ Hồ, của những chiến sĩ áo trắng với quân hàm xanh. Sở Y tế Lạng Sơn cũng khẳng định rằng, lực lượng quân y các xã biên giới đã tổ chức kết hợp hoạt động và hỗ trợ tích cực cho y tế các địa phương này trong việc giám sát dịch bệnh, khám và điều trị bệnh cho nhân dân, góp phân tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng biên giới.
Sau hơn 20 năm thực hiện, mô hình quân dân y phối hợp đã khẳng định tính ưu việt của nó. Tuy vậy, địa hình các xã biên giới hầu hết là núi cao, khe sâu, dân cư rải rác; lực lượng quân y của đồn hầu hết là người miền xuôi, lại thay đổi, thuyên chuyển thường xuyên, nên việc nắm địa bàn nhiều khi gặp khó khăn. Mặt khác, quân y các đồn chỉ có trình độ y sĩ đa khoa, thiếu chuyên khoa, chuyên môn sâu, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh của đồn và của trạm y tế xã chỉ được trang bị ở mức độ, nên nhiều khi xử lý các ca bệnh còn gặp nhiều khó khăn.
Ý kiến ()