Dự án phát triển cây hồi tại Bình Gia: Cây hồi đã tỏa hương
LSO- Vài năm trở lại đây, người dân một số xã trên địa bàn huyện Bình Gia đã có thêm nguồn thu nhập từ cây hồi. Tuy chưa nhiều nhưng phần nào giúp họ vơi đi gánh nặng cuộc sống và hơn hết, họ đã thấy được giá trị của việc chăm sóc và phát triển rừng trồng.
Chủ tịch Hội CTĐ huyện Bình Gia kiểm tra hồi dự án tại xã hòa Bình
Cách đây 15 năm, những khu rừng tại các xã Thiện Hòa, Hòa Bình, Thiện Long chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc hoặc có chăng cũng chỉ là rừng gỗ tạp. Thời điểm đó, người dân chưa chú trọng phát triển đồi rừng, một số cây trồng được thử nghiệm nhưng do không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên kém phát triển, chưa mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân. Chính vì vậy, cái nghèo vẫn đeo bám người dân nơi đây. Phát huy chức năng của tổ chức hội là giúp đỡ người dân khu vực khó khăn, đặc biệt là khó khăn về kinh tế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã triển khai dự án phát triển cây hồi, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho đối tượng nghèo. Qua khảo sát tại 3 xã khó khăn của huyện là Thiện Hòa, Hòa Bình, Thiện Long, kết quả cho thấy trên địa bàn có gần 20.000 ha đất đồi rừng, trong đó chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc. Qua nghiên cứu điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây hồi tại Văn Quan, thấy rằng cây hồi có thể phát triển trên đất Bình Gia, năm 2001, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã phối hợp với Huyện hội tuyên truyền, vận động bà con trồng và chăm sóc cây hồi. Bà Hoàng Thị Mơ, cán bộ Hội Chữ thập đỏ huyện Bình Gia cho biết: lúc đó, hoa hồi chưa có giá trị, thêm nữa, phải sau 15 năm ,cây hồi mới cho thu hoạch nên công tác vận động rất khó. Nhưng dần dần, qua phân tích, nhiều người đã có sự tiếp thu và thay đổi tích cực trong nhận thức. Song song với công tác tuyên truyền, Tỉnh hội, huyện hội tích cực tìm nguồn cây giống chất lượng tốt; mở các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách trồng, chăm sóc cây hồi. Qua công tác tuyên truyền, vận động đã có 1.070 hộ dân ở 3 xã đăng ký trồng và chăm sóc. Với 250 cây mỗi hộ, bà con đã phủ xanh gần hơn 600 ha.
Sau một thời gian trồng và chăm sóc thấy, cây hồi phát triển tốt, nhiều hộ đã chủ động đăng ký nhận cây giống từ dự án 661 hoặc nhận thêm rừng, mua cây về trồng. Đến nay, tỷ lệ cây sống đạt hơn 60%, tuy mới cho thu hoạch nhưng nhiều hộ đã có nguồn thu nhập đáng kể. Bà Mơ cho biết: hiện đang là mùa thu hoạch hồi, theo giá thị trường, mỗi cân tươi có giá khoảng 8.000 đến 12.000 đồng tùy thời điểm. Trung bình mỗi hộ thu hoạch khoảng 4 tạ hồi từ những cây trồng do hội cung cấp. Như vậy, ngoài nguồn thu nhập từ chăn nuôi, lúa, hoa màu, mỗi hộ tham gia dự án có thêm hơn 4 triệu đồng/vụ. Với người nông dân, đây cũng là một khoản thu đáng kể giúp họ phát triển sản xuất.
Ông Chu Văn Cuổn, thôn Khuổi Ngần, xã Hòa Bình, huyện Bình Gia cho biết: Số hồi được Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ đến nay đã cho thu hoạch. Tuy không nhiều nhưng mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch trên 2 tạ cho thu nhập hơn 2 triệu đồng. Ông Nông Văn Tuyến, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ huyện Bình Gia cho biết: Mục tiêu của chúng tôi là cho bà con thấy được việc trồng và chăm sóc rừng không chỉ bảo vệ môi trường sống mà về lâu về dài, nó còn phát huy tác dụng trong việc cải thiện cuộc sống. Hầu hết các hộ sau khi được hỗ trợ cây từ dự án đều tự trồng thêm chứ không dừng lại ở con số do hội hỗ trợ. Từ đó, họ đã có nguồn thu nhập đáng kể từ cây hồi.
Có dự án sau một thời gian ngắn là phát huy tác dụng nhưng với những dự án trồng và phát triển rùng thì qua hàng chục năm người dân mới thấy được hiệu quả. Dự án phát triển cây hồi, tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho đối tượng nghèo là dự án nằm trong số đó. Sau khi bói quả, cây hồi sẽ cho thu hoạch lâu năm mà người dân không mất nhiều công chăm sóc, đây là nguồn thu nhập ổn định, bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()