Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo ở Tràng Định: Tạo động lực để người dân vươn lên
– Từ năm 2018 đến nay, huyện Tràng Định triển khai dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, qua đó, góp phần tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Ông Sầm Văn Khánh, thôn Khuổi Nặp, xã Cao Minh, huyện Tràng Định cho biết: Trước đây, gia đình tôi thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nên sản xuất không hiệu quả, thu nhập bấp bênh. Năm 2020, gia đình được hỗ trợ 4 con lợn giống cùng 45 kg thức ăn chăn nuôi từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo để phát triển chăn nuôi. Cùng đó, tôi được tham gia các lớp tập huấn, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn lợn. Quá trình chăn nuôi, tôi tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn và áp dụng tốt quy trình, kỹ thuật chăm sóc, nhờ đó đàn lợn của gia đình phát triển tốt. Từ đó đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình nuôi 2 lứa, mỗi lứa 4 hoặc 5 con. Cuối năm 2021, gia đình xuất bán 5 con lợn với giá 90.000 đồng/kg hơi, mang lại thu nhập trên 45 triệu đồng. Hiện gia đình duy trì nuôi 4 con, dự kiến sẽ gây giống để sinh sản, mở rộng quy mô đàn lợn. Gia đình cũng là hộ mới thoát nghèo của xã.
Người dân xã Tân Minh chăm sóc đàn bò được hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”
Ông Nông Văn Ngải, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Minh cho biết: Quá trình triển khai dự án, chúng tôi đã rà soát và lựa chọn các hộ thực sự khó khăn để hỗ trợ, giúp người dân có thêm động lực để phát triển sản xuất. Nhận thấy chăn nuôi lợn phù hợp với điều kiện của địa phương, năm 2020, 28 hộ nghèo, cận nghèo mỗi hộ được hỗ trợ 4 con lợn giống và thức ăn để phát triển chăn nuôi. Từ đàn lợn được hỗ trợ ban đầu các hộ dân đều đã xuất bán và tiếp tục đầu tư duy trì mô hình. Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Tương tự, năm 2020, 25 hộ nghèo, cận nghèo của xã Tân Tiến cũng được hỗ trợ 75 con dê sinh sản với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Tham gia dự án, người dân được các cơ quan chuyên môn huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn dê. Cùng đó, nhiều hộ dân còn chủ động tham quan học hỏi các mô hình, từ đó tích lũy kinh nghiệm, mở rộng quy mô đàn. Đến nay, tổng đàn dê đã tăng lên 110 con. Nguồn hỗ trợ từ dự án đã góp phần tạo sinh kế mới giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, đến nay 13/25 hộ nhận hỗ trợ đã thoát nghèo.
Được biết, từ khi triển khai dự án đến nay, 306 hộ tại 8 xã trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ con giống (trâu, bò, lợn, dê, vịt) để phát triển sản xuất với tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 3,7 tỷ, người dân đối ứng trên 1,1 tỷ đồng). Quá trình thực hiện dự án, các cơ quan chuyên môn huyện đã quan tâm, hướng dẫn các hộ dân cách chăm sóc, làm chuồng trại, lựa chọn thức ăn cho đàn vật nuôi. Cùng đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y các xã thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng cho vật nuôi và chủ động phòng các bệnh… Nhờ vậy, các mô hình đều phát triển tốt, quy mô được mở rộng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Chu Việt Hà, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Nguồn hỗ trợ từ dự án không chỉ góp phần tạo sinh kế mà còn tạo động lực để người dân mở rộng phát triển chăn nuôi, từ đó tạo việc làm và tăng thu nhập. Mỗi năm, phòng phối hợp với UBND các xã và các cơ quan chuyên môn huyện tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi với trên 200 lượt người tham gia. Qua đó, người dân nắm vững kiến thức, áp dụng vào quá trình chăm sóc đàn vật nuôi có hiệu quả. Thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã theo sát việc thực hiện dự án của các hộ dân. Đồng thời, tiếp tục rà soát, lựa chọn và hỗ trợ người dân các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Đến nay, các hộ dân được hỗ trợ từ dự án đều duy trì và phát triển tăng đàn. Trong đó, đã có 102 hộ cận nghèo vươn lên thoát diện cận nghèo, 85 hộ nghèo vươn lên cận nghèo, góp phần vào kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Nếu như năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 17,5% thì đến năm 2021 đã giảm xuống còn 10,84% (giảm 6,66%).
Ý kiến ()