Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” ở Lộc Bình: Tạo sinh kế cho người dân
– Từ năm 2018, huyện Lộc Bình triển khai dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” tới hàng trăm hộ dân. Qua hơn 3 năm thực hiện với hình thức đầu tư trực tiếp, dự án trở thành đòn bẩy giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2019, gia đình chị Lường Thị Thúy, thôn Nà Lái, xã Minh Hiệp là một trong 34 hộ được nhận nguồn hỗ trợ từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”. Với mức hỗ trợ 15 triệu đồng cùng khoản tiền đối ứng, gia đình chị mua một con ngựa sinh sản trị giá 19 triệu đồng, sau hơn 2 năm chăm sóc, ngựa mẹ đã đẻ được 2 con ngựa con. Chị Thúy cho biết: Vài tháng trước, gia đình tôi đã bán 3 con ngựa được 62 triệu đồng, trong đó trích 50 triệu đồng để mua một con ngựa bạch, số tiền còn lại đầu tư sản xuất. Tôi tìm hiểu được biết ngựa bạch có giá trị kinh tế cao gần gấp đôi so với ngựa thường nên đã mạnh dạn đầu tư. Từ một hộ nghèo của xã, gia đình chị Thúy đã thoát nghèo và có kinh nghiệm chăn nuôi và có nguồn vốn ban đầu để phát triển kinh tế.
Người dân xã Minh Hiệp chăm sóc ngựa được hỗ trợ từ nguồn vốn của dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”
Tương tự gia đình chị Thúy, năm 2019, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo của xã Thống Nhất cũng được hỗ trợ từ chương này với hình thức nhận nuôi bò giống sinh sản. Theo đó, 93 con bò giống được giao cho 93 gia đình. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, đã có 16 con bò sinh sản lứa đầu tiên, một số hộ đã xuất bán và đem lại giá trị kinh tế. Ngoài ra, các hộ còn tận dụng con giống làm sức kéo phục vụ sản xuất, chất thải chăn nuôi để chăm sóc cây trồng…
Được biết, từ năm 2018 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước để thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”, trên địa bàn huyện đã có 194 gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thuộc 4 xã: Thống Nhất, Minh Hiệp, Lợi Bác, Tĩnh Bắc được hỗ trợ tiền để mua con giống (bò, ngựa sinh sản). Qua đánh giá ban đầu cho thấy, các gia đình được nhận hỗ trợ đều chăm sóc tốt con giống, đảm bảo sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Cụ thể, trong 194 con giống được hỗ trợ, đã đẻ được 16 con bê và 15 con ngựa con, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều gia đình.
Trong quá trình thực hiện dự án, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn theo dõi sát sao việc thực hiện, đồng thời, có hỗ trợ về cách thức chăm sóc, ngừa dịch bệnh… Theo đó, các hộ tham gia được tập huấn, hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc, lựa chọn nguồn thức ăn… Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y các xã thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng cho vật nuôi và chủ động phòng các bệnh… Từ khi thực hiện dự án đến nay, dự án không có con giống bị chết do dịch bệnh.
Bà Nông Bích Vân, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Thực tế cho thấy, từ khi dự án được triển khai, đã thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Như ở xã Minh Hiệp, các hộ trong diện hỗ trợ đã có 15/22 hộ nghèo thoát nghèo, 7/10 hộ cận nghèo vươn lên trung bình; xã Thống Nhất có 21/64 hộ nghèo thoát nghèo… góp phần vào công cuộc giảm nghèo của địa phương. Nếu như năm 2018, huyện Lộc Bình có 3.778 hộ nghèo, chiếm 19,24%, thì đến năm 2020, số hộ nghèo giảm còn 2.537 hộ, chiếm tỷ lệ 11,62% (giảm 7,62%)
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện sẽ theo dõi sát sao việc thực hiện dự án của các hộ dân, đồng thời, tiếp tục rà soát kỹ để lựa chọn và hỗ trợ người dân phát triển mô hình sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
THANH MAI
Ý kiến ()