Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” ở Cao Lộc: Hiệu quả bước đầu
– Từ năm 2018, dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” ở huyện Cao Lộc được triển khai, qua đó, hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã được hỗ trợ để phát triển sản xuất. Mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, tạo tiền đề để người dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được ngân sách Nhà nước bố trí vốn hằng năm. Đối tượng thụ hưởng từ dự án là hộ nghèo, cận nghèo. Triển khai dự án, từ năm 2018 đến nay, hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo thuộc 10 xã: Tân Liên, Lộc Yên, Xuân Long, Phú Xá,… của huyện Cao Lộc đã được hỗ trợ con giống (lợn, gà) để phát triển sản xuất. Qua đánh giá cho thấy các hộ dân đều chăm sóc con giống tốt, đảm bảo sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Từ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.
Chị Hoàng Minh Tiện, thôn Bản Lành, xã Hòa Cư cho biết: Năm 2020, từ dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”, gia đình tôi đã được hỗ trợ 100 con gà giống. Trước đây vì thiếu vốn, cuộc sống khó khăn nên gia đình không có điều kiện mua con giống về nuôi. Từ 100 con gà giống được hỗ trợ ban đầu, sau 5 tháng nuôi, tôi xuất bán và thu về hơn 20 triệu đồng. Từ đó đến nay, tôi mở rộng quy mô chăn nuôi, nuôi thêm nhiều lứa gối nhau, trung bình mỗi lứa từ 50 đến 80 con gà. Nhờ đó, gia đình tôi có thêm thu nhập, là hộ mới thoát nghèo của xã.
Người dân xã Lộc Yên chăm sóc đàn lợn được hỗ trợ từ nguồn vốn của dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”
Ông Hoàng Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Hòa Cư cho biết: Thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” sau khi rà soát, chúng tôi lựa chọn các hộ thực sự cần đến nguồn hỗ trợ và đề xuất với huyện. Tháng 8/2020, 42 hộ nghèo, cận nghèo của xã đã được nhận trung bình 100 con gà giống/hộ và hơn 170 kg cám cùng thuốc thú y. Với ưu điểm khá dễ nuôi, tính thích nghi cao lại không kén thức ăn nên đến nay, mô hình chăn nuôi gà tại xã đã bước đầu đem lại hiệu quả. Từ số gà được hỗ trợ ban đầu, các hộ dân đều đã xuất bán và tiếp tục đầu tư để duy trì mô hình. Năm 2020, xã còn 73 hộ nghèo, giảm 62 hộ so với năm 2019.
Tương tự Hòa Cư, năm 2020, 30 hộ nghèo, cận nghèo của xã Lộc Yên cũng nhận được nguồn hỗ trợ này với hình thức hỗ trợ lợn giống. Theo kế hoạch, 90 con lợn giống được hỗ trợ đến bà con từ năm 2018, tuy nhiên do bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn xã nên dự án lùi lại đến tháng 9/2020 mới giao con giống cho bà con chăm sóc. Với nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, người dân lại chú trọng chăm sóc nên đàn lợn phát triển rất tốt. Đến nay, một số ít đã được xuất bán, số còn lại người dân để sinh sản, gây đàn. Nhờ đó, năm 2020, toàn xã Lộc Yên có 19 hộ thoát nghèo và 13 hộ cận nghèo vươn lên trung bình.
Bà Nguyễn Thị Quyên, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh, xã hội – Dân tộc huyện cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai, dự án đã góp phần làm thay đổi ý thức của người dân, bà con có trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì và phát triển sản xuất từ nguồn vốn được hỗ trợ.
Trong quá trình thực hiện, phòng đã tham mưu cho UBND huyện, đồng thời trực tiếp triển khai dự án đến các xã. Đơn vị thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức hơn 10 lớp tập huấn về chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật với 300 lượt người tham gia… Qua đó, đàn vật nuôi sinh trưởng phát triển tốt, tỉ lệ bị bệnh thấp, hầu hết đều đạt hiệu quả kinh tế.
Dự án đã tạo động lực để người dân vươn lên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 15,9% năm 2018 xuống còn 6,54% năm 2020, không còn gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo.
LIỄU CHANG
Ý kiến ()