Dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm: Động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã
(LSO) – Thực hiện dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN). Từ năm 2018 đến nay, dự án đã hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý.
Từ năm 2019 trở lại đây, các sản phẩm nông sản của tỉnh xuất sang thị trường Trung Quốc đều phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng. Thực tế trong thời gian qua, đã có nhiều mặt hàng nông sản không đạt yêu cầu bị trả lại. Để đáp ứng yêu cầu của đối tác, người sản xuất bắt buộc phải có công cụ quản lý chất lượng, thay đổi phương thức sản xuất cũ. Không riêng sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp, đơn vị cũng cần thay đổi tư duy, cách làm việc để vươn ra thị trường quốc tế.
Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” được đẩy mạnh triển khai từ năm 2018 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến, thực hành nông nghiệp tốt, bảo hộ nhãn hiệu, đảm bảo tính ổn định của sản phẩm. Từ đó, giúp các sản phẩm của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Nông dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP
Từ khi triển khai dự án đến nay, Ban Điều hành dự án đã tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng các công cụ cải tiến, hệ thống quản lý, phương pháp và mô hình tiên tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, Ban Điều hành dự án đã tư vấn, hướng dẫn gần 100 danh nghiệp, HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến, xây dựng nhãn hiệu. Qua đó, đã có 45 đơn vị áp dụng thành công, 8 đơn vị đang tiến hành thủ tục.
Năm 2020, Ban Điều hành dự án phấn đấu hỗ trợ 5 đơn vị áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng nhãn hiệu…Ông Trần Quốc Anh, Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Từ đầu năm 2020, Ban Điều hành dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” đã có văn bản gửi các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đề nghị phối hợp tuyên truyền dự án đến các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh. Cùng đó, Ban Điều hành dự án gửi phiếu đăng ký tham gia dự án đến các doanh nghiệp, HTX tại 11/11 huyện, thành phố.
Đến tháng 8/2020, có 8 đơn vị đăng ký tham gia dự án. Trong đó, 1 doanh nghiệp đang ký áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), 5 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho sản phẩm, 2 HTX đăng ký xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị đăng ký tham gia dự án được tăng mức hỗ trợ từ 30 lên 50% chi phí và tối đa là 50 triệu đồng. Ban Điều hành dự án đã tư vấn, hướng dẫn các đơn vị những bước triển khai thực hiện.
Ông Trần Thế Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Phú, thành phố Lạng Sơn cho biết: Công ty tôi mới được thành lập nên vận hành còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc xảy ra sai sót, chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để rà soát tìm xem lỗi ở khâu nào. Chính vì vậy, khi có thông tin chúng tôi đăng ký áp dụng công cụ cải tiến 5S nhằm xắp xếp lại tổ chức, bộ máy, duy trì môi trường làm việc thuận tiện, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả tại mọi ví trí việc làm.
Khó khăn trong công tác triển khai dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là công tác tuyên truyền còn hạn chế nên nhiều đơn vị, doanh nghiệp, HTX chưa nắm được thông tin cũng như chính sách hỗ trợ. Hiện các thủ tục để được hỗ trợ kinh phí còn rườm rà, mất nhiều thời gian. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, việc đầu tư các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến tốn không ít chi phí. Chính vì vậy, nhiều đơn vị chưa mặn mà với dự án này. Tuy nhiên, phải nói rằng, các sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn muốn vươn ra thị trường thế giới cần đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, tính ổn định. Các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến… chính là nền móng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh vươn xa.
Ý kiến ()