Dự án mở rộng Mỏ than Na Dương: Ách tắc giải phóng mặt bằng
LSO- Từ năm 2008-2015, Công ty Than Na Dương - VVMI thực hiện đầu tư 3 dự án: khu xử lý nước thải; dự án phân xưởng sàng tuyển; dự án mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải đất đá giai đoạn 2010-2012 và giai đoạn 1 với diện tích 96 ha nhằm nâng công suất khai thác lên hơn 1 triệu tấn than/năm. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng, các dự án vẫn trong tình trạng dở dang.
Đến hết tháng 7/2015, cả 3 dự án thực hiện trong giai đoạn 2008-2012 còn 13/323 hộ chưa nhận tiền với diện tích 1,33/104 ha cần giải phóng mặt bằng. Mặc dù diện tích chưa giải phóng mặt bằng không lớn nhưng việc dây dưa kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch tổ chức sản xuất của doanh nghiệp.
Đối với dự án mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải giai đoạn I với diện tích 96 ha nằm trên địa bàn các xã Sàn Viên-Đông Quan thực hiện trong năm 2014-2015. Đến nay, sau 20 tháng triển khai dự án mới giải phóng được 43,6/96 ha chủ yếu trên địa bàn xã Đông Quan, khu vực xã Sàn Viên vẫn chưa thực hiện xong khâu kiểm đếm. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy vướng mắc nhất đều tập trung ở khu vực thôn Tồng Danh, xã Sàn Viên. Bởi toàn bộ diện tích 30 ha đất ở và một phần đất sản xuất nông nghiệp của 50 hộ dân thôn Tồng Danh nằm trọn trong dự án 96 ha giai đoạn 1 của công ty.
Chính điều này đã vấp phải sự không hợp tác của các hộ dân. Vì vậy hiện việc kiểm đếm diện tích đất và tài sản trên đất tại thôn Tồng Danh đang bị ách tắc, chậm tiến độ. Ngoài ra, hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng đều đề nghị công ty phải giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động và tăng đơn giá bồi thường đất đai, vật kiến trúc.
Thiết bị xe, máy chuyên dụng phục vụ khai thác than tại Công ty Than Na Dương
Ngoài các vướng mắc về cơ chế, chính sách, một nguyên nhân khác ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng mỏ than Na Dương chính là sự vào cuộc thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở. Để khắc phục những hạn chế này, ông Hoàng Văn Hiền, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Lộc Bình cho biết: Hiện trung tâm đã được bổ sung thêm nhân lực và đang nỗ lực hết mình để sát cánh cùng doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án. Về phía doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong tìm giải pháp khắc phục như: tổ chức cho các hộ dân đi tham quan các mô hình trồng nấm tại thành phố Hà Nội và kêu gọi doanh nghiệp mở các cơ sở sản xuất tại cụm công nghiệp Na Dương nhằm tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
Bên cạnh đó, để tạo quỹ đất tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng, Công ty Than Na Dương đã triển khai dự án xây dựng khu tái định cư quy mô rộng trên 10 ha và diện tích nghiên cứu quy hoạch tới 80 ha tại xã Đông Quan. Hiện khâu phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và trình tự thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án khu tái định cư đang được khẩn trương hoàn thành.
Bà Dương Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Công ty Than Na Dương cho biết: nhằm giải quyết từng bước các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bên cạnh việc phối hợp với các sở, ngành liên quan, doanh nghiệp còn thành lập Ban đền bù gồm 9 thành viên trưng tập từ các phòng của công ty nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Tuy nhiên, nan giải nhất hiện nay trong triển khai dự án mở rộng mỏ than Na Dương là làm sao giải quyết vấn đề tạo sinh kế ổn định lâu dài cho người bị thu hồi đất. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng doanh nghiệp mà còn của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, UBND huyện Lộc Bình cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án mở rộng khai trường sản xuất và bãi đổ thải hoàn thành trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: CÔNG QUÂN
Ý kiến ()