Dự án Luật Hộ tịch sẽ được trình tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 Quốc hội khóa XIII
Tiếp tục phiên họp thứ 26, chiều 11/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) và một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII.
Báo cáo việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 là khoảng 29 ngày. Dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc ngày 20-5 và bế mạc ngày 24-6-2014, trong đó bố trí Quốc hội làm việc 3/5 ngày thứ bảy.
Đáng chú ý, so với dự kiến nội dung trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 23, dự kiến nội dung kỳ họp thứ 7 sẽ có một số thay đổi. Cụ thể, bổ sung các nội dung: Trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Hộ tịch; trình Quốc hội xem xét, thông qua 2 dự thảo Nghị quyết về: Việc xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 và việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Mặt khác, hai nội dung được đề nghị rút khỏi chương trình. Một là, việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm những người thuộc đối tượng Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 7. Hai là, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). “Tuy chưa có văn bản đề nghị chính thức của Chính phủ, nhưng Thủ tướng đã ủy quyền Bộ trưởng Bộ tư pháp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật này từ kỳ họp thứ 7 sang kỳ họp thứ 8” – Chủ nhiệm Phúc lí giải.
Về tình hình chuẩn bị kỳ họp, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, 10 dự án luật trình Quốc hội thông qua đã được UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và chỉnh lý các dự thảo luật; trong đó có 4 dự án luật đã gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Hai dự thảo nghị quyết đang được Ủy ban pháp luật, Ban công tác đại biểu phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương chuẩn bị và hoàn thiện.
Đối với 18 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, UBTVQH đã xem xét 8 dự án tại phiên họp thứ 25 và 26 và sẽ xem xét 10 dự án còn lại tại phiên họp thứ 27 (tháng 4-2014).
Các nội dung về giám sát, kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và một số báo cáo khác đều đang trong quá trình chuẩn bị, dự kiến trình xin ý kiến UBTVQH tại phiên họp thứ 27 (tháng 4-2014) và thứ 28 (tháng 5-2014).
Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá: Các nội dung dự kiến trình Quốc hội vẫn tập trung quá nhiều vào 2 phiên họp của UBTVQH sát thời điểm khai mạc kỳ họp, khó bảo đảm thời gian cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh văn bản, gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định. Thực tế cho thấy, tuy các cơ quan hữu quan đã quan tâm hơn đến việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng nêu trên. Việc Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tại kỳ họp giữa năm thay vì cuối năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chủ động sớm hơn trong việc chuẩn bị dự án luật. Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện, chưa có chuyển biến tích cực, nhất là việc chuẩn bị dự án luật trình lần đầu.
Cũng trong chiều nay, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Theo báo cáo dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Hải quan (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tại phiên họp, có 4 nhóm vấn đề lớn đã được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này. Đó là nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý hải quan; tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hải quan; sửa đổi một số nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; cụ thể hóa vào Luật một số nội dung trước đây giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
Theo CPV
Ý kiến ()