Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tác động đến nhiều chủ thể, đối tượng
Chiều 8-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội và thường trực các cơ quan của Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà báo cáo và nghe các ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức. Thời gian qua, công tác chuẩn bị cho việc xem xét cho ý kiến đối với dự án luật này đã được tiến hành khẩn trương, trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: DOÃN TẤN |
Tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đề ra những giải pháp cụ thể trong các lĩnh vực trọng tâm. Trên cơ sở đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 50/2022/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và dự kiến xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, phấn đấu trong năm 2023 hoàn tất sửa đổi Luật Đất đai.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Đất đai, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm. Theo đó, cuộc làm việc đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội khóa XV với các cơ quan đã dành để làm việc với Bộ TNMT vào giữa năm 2021, trong đó có nội dung nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thời gian qua, cùng với tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ TNMT cũng đã tiến hành nghiên cứu đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW thay thế Nghị quyết 19-NQ/TW. Bộ TNMT đã tích cực xây dựng dự thảo, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, lấy ý kiến các cơ quan.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) rất hệ trọng nên phải xây dựng đúng yêu cầu của luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án luật, Chính phủ gửi hồ sơ dự án luật tới Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội trước ngày 1-9 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp UBTVQH.
Về hồ sơ dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ TNMT dày công hơn nữa trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh…, báo cáo rà soát hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai. Các báo cáo này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở thực chứng cho công tác lập pháp. Do đó, với tinh thần cầu thị, khách quan, bảo đảm chuẩn bị tích cực, kỹ lưỡng các nội dung này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ nhất giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ và giữa Trung ương với địa phương. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, năm 2023 không chỉ hoàn thành Luật Đất đai (sửa đổi) mà còn hoàn thành điều chỉnh luật pháp liên quan.
Về tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngoài Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội hay Kiểm toán Nhà nước, hội đồng nhân dân các cấp, các đoàn đại biểu Quốc hội… phải nêu cao vai trò tham gia xây dựng luật. “Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TNMT phải là các cơ quan đầu mối giúp Quốc hội, Chính phủ tổ chức việc huy động sự đóng góp của toàn thể nhân dân, các nhà khoa học cho dự án luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Đối với việc lấy ý kiến nhân dân, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải đặt ra các việc cụ thể, được thuyết minh rõ ràng, gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân.
Nhấn mạnh tới vai trò của thông tin, truyền thông trong xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cũng giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Tổng thư ký Quốc hội xây dựng Đề án truyền thông việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch của Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc trình dự thảo luật lần thứ nhất ra Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch.
Ý kiến ()