Dự án Luật Bưu chính: Đáp ứng nhu cầu hội nhập
Các đại biểu thảo luận ở tổ về Luật Bưu chính. (Ảnh: chinhphu.vn) Đáp ứng nhu cầu hội nhập Dự án Luật Bưu chính quy định cụ thể, rõ hơn các nội dung về nghiệp vụ bưu chính, tính đặc thù, về chủ thể thực hiện bưu chính công ích, đồng thời cũng lược bỏ những quy định chung chung, bất cập nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật chung hiện nay. Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh tán thành những nội dung chính tại Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Bưu chính nhằm thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo khung pháp lý đầy đủ hơn, giúp việc hiện đại hoá hoạt động bưu chính và hội nhập quốc tế. Bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh Một trong những nội dung cơ bản được dự Luật làm rõ là Nhà nước phải thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cung ứng các dịch vụ này cho xã hội thông qua một tổ chức doanh nghiệp được chỉ định. ĐB Trần Du Lịch, Nguyễn Việt Dũng (TP. HCM) đánh giá cao tiếp thu của Ban soạn thảo đối với những góp ý của đại biểu trước đây về việc nhất thể hóa bưu chính, tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của dự thảo Luật được trình ra Quốc hội lần này. “Toàn bộ dịch vụ bưu chính công được giao cho doanh nghiệp nhà nước là hợp lý để đáp ứng được các hoạt động mà dịch vụ này phải đảm nhận”, ĐB Nguyễn Việt Dũng nêu quan điểm. Tuy nhiên, các đại biểu Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa), Nguyễn Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) cho rằng, cần bổ sung các nguyên tắc đặc thù của ngành bưu chính. Để đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, giảm dần sự điều tiết của Nhà nước thì nên “rộng cửa” cho những doanh nghiệp khác cùng tham gia. Luật hóa việc chỉ định doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công sẽ hạn chế cạnh tranh. Cụ thể hóa quy định về kiểm tra thưtín Dưới góc độ đảm bảo quyền thư tín, ĐB Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị cần làm rõ phạm vi, mức độ của các tổ chức, cá nhân nào đưa ra yêu cầu được phép mở thư tín bởi đây là quyền Hiến định của công dân được quy định rất chi tiết trong Hiến pháp và các bộ luật khác như Luật Dân sự. Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Nguyễn Văn Vượng, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ cá nhân nào được yêu cầu, trường hợp nào được mở ra kiểm tra thư tín của công dân phải được cụ thể hóa, tránh việc lạm dụng quy định này. ĐB Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị mỗi hộ gia đình nên có một hòm thưgia đình. Góp ý về những quy định về phát hành tem, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, quy định Bộ TT&TT thống nhất quản lý phát hành tem là hợp lý. Tuy nhiên, phải làm rõ việc sáng tác, đăng ký, xét duyệt và phát hành tem, đặc biệt là các hình ảnh trên con tem phải hết sức thận trọng, hợp lý. Theo chương trình Kỳ họp, dự án Luật Bưu chính sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận toàn thể tại Hội trường vào sáng ngày 11/11 tới đây. |
Ý kiến ()