Dự án Khu dân cư Trung tâm thị trấn Hữu Lũng: Hơn 7 năm còn dang dở (Kỳ 1)
– Dự án Khu dân cư Trung tâm thị trấn Hữu Lũng được triển khai từ năm 2016. Do phát sinh vướng mắc, đến nay, dự án vẫn dở dang, khiến cuộc sống của các hộ gia đình nằm trong đất quy hoạch bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Người dân mong mỏi các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, vừa giải quyết triệt để những vướng mắc để dự án sớm hoàn thành, ổn định cuộc sống.
Kỳ 1: Dân khổ vì dự án chậm
Hơn 7 năm qua, nhiều hộ dân ở khu An Ninh và khu An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng phải sống trong bấp bênh, mòn mỏi ngay trên chính mảnh đất của mình do ảnh hưởng của quá trình triển khai thực hiện Dự án Khu dân cư Trung tâm thị trấn Hữu Lũng.
Theo tìm hiểu, Dự án Khu dân cư Trung tâm thị trấn Hữu Lũng được triển khai từ năm 2016, theo Quyết định số 1788, ngày 4/10/2016 của UBND tỉnh. Trong quá trình thực hiện dự án phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh đã thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 1788 và ban hành quyết định khác để thực hiện dự án; đồng thời tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng thực hiện dự án (triển khai ở địa bàn 2 khu An Ninh và An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng). Theo Hợp đồng số 68/2020/HĐ-NĐT/UBND-SDN& LICOGI 13, ngày 2/7/2020 giữa UBND tỉnh và nhà đầu tư, thời gian hoàn thành dự án là 30 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, nghĩa là đến tháng 1/2023 dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dở dang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Dự án Khu dân cư Trung tâm thị trấn Hữu Lũng có quy mô dân số khoảng 1.084 người; diện tích đất sử dụng là 40.190 m². Trong đó, diện tích đất hạ tầng xã hội là 306 m², đất ở là 22.275 m², đất hạ tầng kỹ thuật là 17.168 m² và đất cây xanh cảnh quan là 441m². Dự án có 90 hộ gia đình, cá nhân, 1 tập thể, 3 tổ chức trên địa bàn 2 khu An Ninh và An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng bị ảnh hưởng.
Dự án nhằm xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, mở rộng quỹ đất ở cho khu trung tâm, tạo bộ mặt cảnh quan kiến trúc cho khu trung tâm thị trấn. Ý nghĩa là vậy, song hơn 7 năm qua, việc phát sinh những khó khăn, vướng mắc đã khiến dự án chậm triển khai, người dân bức xúc vì phải sống trong bấp bênh, mòn mỏi ngay trên chính mảnh đất của mình.
Cuối năm 2023, phóng viên Báo Lạng Sơn đã xuống hiện trường dự án để tìm hiểu thực tế từ một số hộ gia đình ở 2 khu An Ninh và An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến và nghe người dân chia sẻ về những khó khăn, bức xúc khi phải sống trên đất dự án trong một thời gian dài.
Trước hết là nhiều ngôi nhà ở đây đã xuống cấp, nhưng bà con không dám sửa sang bởi nằm trong diện quy hoạch giải tỏa để làm dự án. Trong đó, ngôi nhà chị Nguyễn Thị Thanh, khu An Ninh tường bị mốc, nứt, hơn nữa với 5 nhân khẩu trong diện tích chật chội, gia đình muốn cơi nới thì sợ vi phạm. Chính vì vậy, gia đình chị đã cải tạo chuồng lợn làm bếp, cải tạo bếp trước đây thành phòng ngủ để đủ chỗ cho các thành viên.
Không chỉ nhà cửa không dám sửa chữa, cơi nới, gia đình chị Thanh cũng không thể chăn nuôi phát triển kinh tế trên đất dự án. Chị Thanh chia sẻ: Gia đình tôi có tổng cộng 389,4m² đất bị thu hồi thực hiện Dự án Khu dân cư Trung tâm thị trấn Hữu Lũng, bao gồm đất vườn và đất thổ cư. Sau nhà là khu đất vườn, trước đây gia đình dùng để chăn nuôi, thu nhập từ chăn nuôi mỗi năm khoảng 340 triệu đồng. Từ năm 2016 đến nay, do nằm trong đất dự án, gia đình không dám đâu tư chăn nuôi, bởi cứ thấp thỏm không biết khi nào dự án triển khai đến phần đất của gia đình, điều đó ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình, cuộc sống vì thế bấp bênh theo dự án. Thêm nữa, quá trình xây dựng dự án, đơn vị thi công đã đổ đất để tôn tạo, nâng cao nền móng, hệ thống cống chưa lắp đặt khiến nước thải sinh hoạt không thoát được, nhà vệ sinh của gia đình vì thế không sử dụng được, gây ô nhiễm môi trường, mà trực tiếp hằng ngày, hằng giờ gia đình tôi và các hộ xung quanh phải hứng chịu.
Đó cũng là tình cảnh chung của nhiều hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án ở khu An Ninh. Do hoàn cảnh thực tế, các gia đình đều muốn cơi nới, sửa chữa nhà cửa nhưng không dám làm do sợ vi phạm về xây dựng trên đất dự án.
Rời khu An Ninh, chúng tôi đến tìm hiểu tại một số gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án ở khu An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng. Trong số những ngôi nhà trong khu vực quy hoạch, có nhà bà Đinh Thị Đức với nhiều tấm bạt màu xanh được gia đình che chắn trên mái nhà, bà Đức bức xúc: Nhà tôi xuống cấp đã nhiều năm nay, mưa thường bị dột nên gia đình phải dùng bạt che tạm, khổ nhất là những hôm mưa to nhà bị ngập, có lần ngập cao tới khoảng 70cm. Việc ngập nước này xuất hiện từ khi đơn vị thi công đổ đất trên nền dự án khiến nước không thoát được. Nhà cửa xuống cấp, chật chội nhưng không thể sửa sang, cơi nới do nằm trong diện quy hoạch dự án. Sống trong tình cảnh này gia đình rất khổ sở!
Còn ông Giáp Văn Xếp, khu An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng cũng bức xúc: Cách đây 3 năm, trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công dùng máy múc đất ruộng bỏ đi rồi đổ đất lên làm nền đã làm nứt tường nhà của gia đình, nguy cơ đổ sập nên chúng tôi đã phải di dời đi ở chỗ khác. Không riêng gì gia đình tôi, tình trạng này cũng xảy ra với một số hộ khác ở 2 khu An Ninh và An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng. Không những ảnh hưởng tới kết cấu nhà ở mà việc đổ đất nền làm dự án đã làm hệ thống thoát nước các gia đình không hoạt động được, ngập úng mỗi khi mưa, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe người dân…
Ông Xếp cũng cho hay: Từ khi triển khai dự án đến nay, tôi và nhiều hộ gia đình trong khu đã 3 lần nhận thông báo thu hồi đất của UBND huyện Hữu Lũng liên quan đến thay đổi quy hoạch dự án, mỗi lần nhận thông báo là diện tích đất bị thu hồi nhiều hơn, khiến chúng tôi “quay như chóng chóng”.
Theo nhiều người dân, trong các cuộc họp ở khu, ở thị trấn và tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri và Nhân dân 2 khu An Ninh và An Thịnh, thị trấn Hữu Lũng đều đã phản ánh, kiến nghị với các cấp, ngành và mong sớm giải quyết vấn đề này để giải tỏa những băn khoăn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn dở dang.
Trước nỗi khổ phải sống trong đất dự án, chia sẻ với chúng tôi, bà con đều mong mỏi và đặt câu hỏi rằng: “Không biết dự án khi nào thì làm xong? Hoặc nếu không triển khai nữa thì trả lại mặt bằng để người dân lao động, sản xuất, sửa chữa nhà ở và các công trình phụ để ổn định cuộc sống”.
(Còn nữa)
Ý kiến ()