tle=”Click vào để xem ảnh phóng to” rel=””> amesmall” src=”http://nhandan.com.vn/media/k2/items/cache/2056/e04b672cf4fddc6365762de62f009a0f_L.jpg” border=”0″ alt=”Phương tiện thi công đào vét luồng cho tàu, thuyền lớn vào sông Hậu nằm bờ đã lâu không hoạt động.” /> Việc xuất khẩu hàng hóa của đồng bằng sông Cửu Long bằng đường biển ngày càng gặp khó khăn do luồng tàu vào cửa Ðịnh An bị bồi lắng. Hình ảnh thể hiện sự năng động của kinh tế khu vực với những chuyến tàu có trọng tải lớn chở đầy hàng hóa xuôi ngược trên dòng sông Hậu cũng dần lùi vào quá khứ, để lại trơ trọi hơn mười bến cảng được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ðể giải quyết khó khăn này, kênh Quan Chánh Bố được khởi công xây dựng, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đồng bằng sông Cửu Long.
Cần lắm những chuyến tàu
Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) là vùng sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản trọng điểm của cả nước. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải tương xứng với tiềm năng phát triển là điều rất cần thiết. Nếu như năm 2009, có gần tám nghìn lượt tàu với hơn 16 triệu tấn hàng hóa được thông qua các cảng trên sông Hậu, thì đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn khoảng một nghìn lượt tàu, lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ còn hơn một triệu tấn, giảm hơn 90% so với năm 2009. Theo tính toán của các doanh nghiệp, mỗi công-ten-nơ hàng trung chuyển đến TP Hồ Chí Minh phải tốn thêm chi phí khoảng ba triệu đồng; thời gian giao nhận hàng hóa kéo dài hơn, mất lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư cho vùng… Một trong những trở ngại lớn nhất là độ sâu luồng cho tàu biển vào sông Hậu qua cửa Ðịnh An luôn bị dịch chuyển và bồi lắng nên không thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn vào cụm cảng Cần Thơ. Do đó, hệ thống cảng tại ÐBSCL gần như tê liệt, chỉ đáp ứng chưa tới 30% nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa ở khu vực, hơn 70% còn lại phải trung chuyển đến TP Hồ Chí Minh, trong khi hằng năm, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu không ngừng tăng nhanh, theo ước tính đến năm 2020 đạt hơn 20 triệu tấn/năm. Chỉ điểm qua một vài con số cũng có thể thấy rõ tác động to lớn khi luồng cho tàu biển lớn vào sông Hậu bị ách tắc.
Cửa Ðịnh An nằm giữa ranh giới hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Từ trước đến nay, tàu, thuyền ra vào sông Hậu chủ yếu từ cửa Ðịnh An – cửa sông Hậu đổ ra Biển Ðông. Dọc theo tuyến sông Hậu có hơn mười cảng biển đang hoạt động, nhiều cảng có khả năng tiếp nhận tàu từ một nghìn tấn đến 20 nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu tại ÐBSCL. Tiềm năng là vậy, nhưng cửa Ðịnh An luôn bị bồi lấp, độ sâu luồng có nơi chỉ còn khoảng – 2,5 mét, tàu năm nghìn tấn trở lên không thể ra vào được. Trước đây, luồng Ðịnh An được nạo vét nhiều lần, mỗi lần phải tốn vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, nhưng chỉ vài tháng sau bị bồi lắng trở lại, tàu có trọng tải lớn không thể ra vào.
Ðể khai thông cụm cảng Cần Thơ, giải quyết nhu cầu bức xúc xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực ÐBSCL, việc tìm luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu đã được nghiên cứu từ năm 2004. Ngày 30-11- 2007, sau khi cân nhắc nhiều phương án, và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giao thông vận tải đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng “Luồng tàu biển có trọng tải lớn” đi qua kênh đào Quan Chánh Bố thuộc vùng ven biển tỉnh Trà Vinh để vào sông Hậu. Ðây là một tin vui, sau bao năm chờ đợi để ÐBSCL vươn ra biển lớn hội nhập với cả nước và quốc tế. Ngày 27-12-2009, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Lễ khởi công dự án, với tổng mức đầu tư hơn năm nghìn tỷ đồng. Công trình có tuyến luồng dài khoảng 40 km, gồm bốn đoạn: 6 km sông Hậu, 19 km kênh Quan Chánh Bố, đào mới 9 km kênh tắt thông ra biển và 6 km kênh biển. Tổng khối lượng đất đào kênh mới và nạo vét cải tạo các đoạn kênh khoảng 28 triệu m3. Dự án cần hơn 1.132 ha để đào, vét và chứa bùn đất; tác động đến 1.427 hộ dân, trong đó có 1.012 hộ có nhu cầu tái định cư, ở chín xã của hai huyện Duyên Hải và huyện Trà Cú (Trà Vinh).
Triển khai cầm chừng
Bộ GTVT đã xác định dự án luồng cho tàu biển vào sông Hậu là một trong những công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải quan trọng, cấp bách có tính chất động lực thúc đẩy phát triển vùng ÐBSCL và sẽ được tập trung ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2012-2015. Do đó, thời hạn thi công được ấn định hoàn thành trong 36 tháng. Nếu dự án hoàn thành đi vào khai thác thì không chỉ phát triển các cảng biển trên sông mà còn là tiền đề để tổ chức lại giao thông vận tải khu vực, tiết giảm chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm áp lực giao thông thủy, bộ các tuyến từ ÐBSCL đến TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong thực tế việc thi công rất chậm chạp.
Theo Sở Giao thông vận tải Trà Vinh, đơn vị được UBND tỉnh Trà Vinh giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng Luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, tổng mức đầu tư của tiểu dự án (phần địa phương thực hiện) là hơn 643 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2011, tỉnh đã được cấp 461 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 460 tỷ đồng. Năm 2012 không có vốn và nay cũng chưa được bố trí vốn. Với nguồn vốn trên, Sở Giao thông vận tải Trà Vinh đã thực hiện giải phóng mặt bằng vị trí thi công đào mới luồng tàu; các vị trí đổ đất thi công đã hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho Chủ đầu tư dự án trước ngày khởi công. Công tác làm mới, di dời, san lấp các công trình nằm trong dự án như: Xây dựng đường điện vượt Kênh tắt, di dời hệ thống điện trung – hạ thế, trám lấp các giếng khoan trong mặt bằng giải tỏa cũng đã hoàn thành từ năm 2011. Do không được bố trí đủ nguồn vốn nên việc xây dựng hạ tầng năm khu tái định cư cho hơn một nghìn hộ có nhu cầu tái định cư bị chậm trễ. Ðến nay, chỉ mới hoàn thành được hai khu, với khoảng năm trăm nền. Còn lại ba khu với khoảng năm trăm nền đang trong giai đoạn thi công dang dở.
Diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng của dự án này là đất chuyên dùng nuôi trồng thủy sản của dân… việc chậm và ngừng thực hiện dự án, làm ảnh hưởng tâm lý của người dân, nhất là người dân trong vùng dự án khi đã hưởng ứng, chấp hành và thực hiện tốt công tác GPMB. Nếu dự án không được tiếp tục thi công sẽ rất khó khăn trong quản lý mặt bằng đã giải tỏa. Ðất đã thu hồi chưa thực hiện dự án để trống (bỏ hoang) là rất lớn, trong khi người dân bị thu hẹp diện tích đất sản xuất dễ dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm làm phát sinh chi phí đào đắp tôn tạo, khi thi công sẽ gặp nhiều khó khăn…
Chúng tôi đi tham quan nơi triển khai thi công gói thầu 6A, Ðoạn Km0 650 đến Km3 628 do Cục Hàng hải Việt Nam (Ban QLDA Hàng hải 3) làm chủ đầu tư, người dân ở đây cho biết, công trình đã ngừng thi công từ giữa năm 2012 dẫn tới kênh đào chưa thông, đường sá, bờ kè chưa hoàn chỉnh, nhiều việc còn dở dang… Ngày 4-4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 548/QÐ-TTg về việc điều chỉnh phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, Dự án đầu tư Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu “Luồng kênh Quan Chánh Bố” nằm trong danh mục được tiếp tục đầu tư. Người dân Duyên Hải, Trà Vinh và cả vùng ÐBSCL đang rất mong chờ Dự án Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu được tiếp tục triển khai nhanh, sớm đáp ứng yêu cầu xuất nhập khẩu, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của vùng ÐBSCL.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()