Dự án kè sông Kỳ Cùng giai đoạn 3: Nhà thầu chây ì trong thi công
(LSO) – Công trình kè sông Kỳ Cùng giai đoạn 3 chưa thi công xong các hạng mục theo hợp đồng, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, một số nhà thầu đã không triển khai lực lượng nhân công tại hiện trường để hoàn thiện các phần việc dở dang. Mặc dù chủ đầu tư đã nhiều lần ban hành văn bản yêu cầu nhà thầu khẩn trương hoàn thiện các hạng mục công trình nhưng một số nhà thầu vẫn không chấp hành chỉ đạo của chủ đầu tư.
Dự án kè sông Kỳ Cùng giai đoạn 3 thành phố Lạng Sơn được triển khai từ cuối năm 2011. Vị trí xây dựng công trình nằm ở bờ phải và bờ trái sông Kỳ Cùng thuộc phường Tam Thanh và phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn. Tổng chiều dài kè gần 4.200 m bao gồm: nhánh bờ phải dài 1.979 m, nhánh bờ trái dài 1.986 m và 4 nhánh suối dài 245 m. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 288 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án hoàn thành cuối năm 2014, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn, đơn vị trực tiếp quản lý dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (đơn vị trực thuộc sở).
Công nhân Công ty TNHH xây dựng Thiên Hà, tỉnh Thái Nguyên triển khai xây lắp tại hiện trường dự án kè sông Kỳ Cùng giai đoạn 3
Tuy nhiên, dự án triển khai rất ì ạch, đến hết năm 2019, liên danh các đơn vị trúng thầu gồm: Công ty Cổ phần xây lắp Thành An – Công ty TNHH Hải Linh và Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Thành Trung mới thi công ước đạt khoảng 60% giá trị hợp đồng. Cụ thể: phần kè bờ trái thuộc phường Chi Lăng với chiều dài 1.986 m do Công ty TNHH Hải Linh và Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Trung thi công ước đạt 90% khối lượng. Phần kè bờ phải chiều dài 1.979 m thuộc phường Chi Lăng do Công ty Cổ phần xây lắp Thành An đảm nhiệm hiện mới thi công được 777,8 m và phần còn lại 1.201,2 m chưa thi công.
Trước thực tế dự án triển khai rất chậm, năm 2017, dựa trên đề xuất của chủ đầu tư, UBND tỉnh đồng ý bổ sung nhà thầu để bảo đảm tiến độ chung và bảo đảm an toàn cho người dân sinh sống hai bên bờ. Đến năm 2018, chủ đầu tư đã bổ sung thêm nhà thầu là Công ty TNHH xây dựng Thiên Hà, tỉnh Thái Nguyên; UBND tỉnh chỉ đạo hết năm 2019 dự án phải hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nhưng từ đó đến nay, tiến độ thực hiện dự án không được cải thiện nhiều, đáng chú ý từ đầu năm 2020 đến đầu tháng 3/2020, các nhà thầu không triển khai thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành của dự án. Chủ đầu tư đã mời các nhà thầu đến làm việc và lập biên bản, trong biên bản, các nhà thầu cam kết tổ chức thi công trở lại, lập tiến độ thời gian hoàn thành một số hạng mục trong tháng 3/2020. Tuy nhiên, thời gian cam kết đã hết nhưng không nhà thầu nào tổ chức triển khai thi công tại thực địa như đã cam kết.
Liên tiếp từ cuối tháng 3/2020 và đầu tháng 4/2020, chủ đầu tư ban các hành văn bản yêu cầu các nhà thầu nhưng chỉ có Công ty TNHH xây dựng Thiên Hà, tỉnh Thái Nguyên phản hồi thông tin, các đơn vị còn lại không phản hồi. Đến thời điểm cuối tháng 5/2020, khi chúng tôi khảo sát tại thực địa, tại hiện trường chỉ duy nhất có Công ty TNHH xây dựng Thiên Hà, tỉnh Thái Nguyên tổ chức một đội thi công với 8 công nhân đang làm việc.
Trao đổi với ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Ban đã tham mưu cho sở báo cáo sự việc và xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh; UBND tỉnh đã có văn bản số 2004/VP-KT ngày 22/5/2020 chỉ đạo chủ đầu tư có biện pháp xử lý kiên quyết và cho thanh lý hợp đồng đối với các nhà thầu không chấp hành chỉ đạo của chủ đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư mới đủ năng lực triển khai các hạng mục còn lại.
Ông Vinh cho biết thêm: Ban đang tham mưu cho sở áp dụng biện pháp để xử lý trách nhiệm đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng và thanh lý hợp đồng. Song song với đó, ban xây dựng kế hoạch lựa chọn bổ sung nhà thầu mới để khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn dở dang, hoàn thành công trình trong năm 2020.
Qua sự việc nêu trên có thể thấy sự vi phạm nghiêm trọng của các nhà thầu trong việc thực hiện hợp đồng xây dựng đã ký với chủ đầu tư. Dựa trên căn cứ các điều khoản hợp đồng xây lắp đã được ký kết và các quy định hiện hành, chủ đầu tư cần đưa ra những biện pháp xử lý kiên quyết đối với các vi phạm của nhà thầu. Mặt khác, chủ đầu tư cần thông tin công khai việc xử lý các nhà thầu này đến các cơ quan chức năng như: Cục quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch Đầu tư, các chủ đầu tư trong và ngoài tỉnh biết để phòng ngừa rủi ro, ngăn chặn các nhà thầu năng lực yếu tham gia các dự án.
Ý kiến ()