Dự án Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế: Tạo sinh kế cho người nghèo
(LSO) – Dự án Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển kinh tế do Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam phân bổ nguồn vốn thông qua Hội CTĐ tỉnh với kinh phí 200 triệu đồng đã triển khai tại các xã vùng 3 của huyện Đình Lập và huyện Tràng Định từ năm 2007. Đến nay, đã có trên 100 hộ nghèo được vay vốn tạo sinh kế vươn lên ổn định cuộc sống.
Những năm qua, thông qua dự án, mỗi huyện được hỗ trợ 100 triệu đồng, qua đó địa phương sẽ triển khai thực hiện dự án theo cách thức khác nhau. Đơn cử như huyện Đình Lập, từ số tiền 100 triệu đồng cho 14 hộ nghèo vay, mỗi hộ được vay vốn từ 7 đến 8 triệu đồng để phát triển kinh tế đồi rừng. Còn huyện Tràng Định cho 20 hộ vay vốn, mỗi hộ được vay 5 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Mỗi hộ có chu kỳ vay 3 năm với lãi suất 0,3%/tháng. Trường hợp được vay là các hộ nghèo và có nguồn nhân lực để phát triển kinh tế. Khi vay, các hộ ký cam kết trả cả vốn và lãi suất theo đúng kỳ hạn để luân chuyển cho hộ nghèo khác vay tiếp.
Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao tiền hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế cho hộ nghèo
Bà Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Tràng Định cho biết: Hằng năm, Hội CTĐ huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ gia đình sử dụng nguồn vốn. Sau mỗi chu kỳ, hội chủ động thu hồi vốn, đồng thời rà soát các hộ nghèo có nhu cầu để tiếp tục cho vay, do đó đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
Đến với gia đình chị Vy Thị Tiến (sinh năm 1975), thôn Khe Cù, xã Châu Sơn, huyện Đình Lập (một trong những hộ được hỗ trợ vốn vay của dự án từ năm 2015) mới cảm thấy sự thay đổi tích cực so với trước đây. Gia đình chị Tiến là hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình không có điều kiện để đầu tư cây, con giống phát triển kinh tế. Tham gia dự án, năm 2015, gia đình chị đã được hỗ trợ vay 7 triệu đồng để mua cây giống trồng rừng và chăn nuôi gia cầm. Từ nguồn vốn vay, đến nay, gia đình đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Chị Tiến cho biết: Gia đình tôi sử dụng 7 triệu đồng được vay đầu tư phát triển rừng keo, chăn nuôi gia cầm. Năm 2018, rừng keo bắt đầu cho khai thác tỉa, 3 năm tới sẽ cho khai thác đại trà. Từ nguồn thu nhập ban đầu gia đình tôi có thêm điều kiện mở rộng diện tích trồng mới rừng keo, đồng thời có điều kiện trang trải cuộc sống và đã hoàn trả lại nguồn vốn cho Hội CTĐ huyện.
Không chỉ gia đình chị Tiến, theo số liệu từ Hội CTĐ tỉnh, trong số 140 hộ nghèo tại các xã: Cường Lợi, Châu Sơn (Đình Lập) và xã Chí Minh (Tràng Định) được thụ hưởng dự án, có trên 50% hộ đã thoát nghèo. Trong đó đa số các hộ đầu tư nguồn vốn vào phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Dự án Hỗ trợ người nghèo vay vốn phát triển kinh tế đã thực sự phát huy hiệu quả, tạo sinh kế, giúp hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế hộ. Ngoài dự án trên, Hội CTĐ tỉnh đã và đang triển khai nhiều hình thức vận động, hỗ trợ vốn vay từ nhiều nguồn khác để hỗ trợ cho hộ nghèo tại các xã vùng sâu, vùng cao, biên giới phát triển kinh tế. Từ năm 2014, Hội CTĐ tỉnh đã trích nguồn quỹ 100 triệu đồng để hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế tại huyện Văn Lãng. Năm 2020, hội triển khai dự án hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo tại huyện Cao Lộc với 120 triệu đồng cho 12 hộ vay…
Trong thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi sự hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm nhằm góp phần cùng địa phương chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trong số 140 hộ nghèo tại các xã: Cường Lợi, Châu Sơn (Đình Lập) và xã Chí Minh (Tràng Định) được thụ hưởng dự án, có trên 50% hộ đã thoát nghèo. Trong đó đa số các hộ đầu tư nguồn vốn vào phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi gia súc, gia cầm. |
Ý kiến ()