Dự án hồ chứa nước Bản Lải: Kỳ vọng tạo những hướng phát triển mới
– Từ đỉnh Khau Loáng, điểm cao nhất của thôn Lải Ngoà, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình nhìn xuống có thể bao quát được toàn cảnh công trình hồ chứa nước Bản Lải đồ sộ và kỳ vĩ. Đây là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Không chỉ đảm bảo cắt lũ cho vùng hạ du, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, công trình còn kỳ vọng tạo nên những hướng mới trong phát triển kinh tế – xã hội tại vùng dự án.
Dự án hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1 do Ban Quản lý dự án thuỷ lợi 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư hạng mục công trình đầu mối, kênh chính dẫn nước; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn làm chủ đầu tư hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng.
Giai đoạn 1 dự án hồ chứa nước Bản Lải có tổng mức đầu tư 2.998 tỷ đồng, vùng hưởng lợi từ công trình trải dài từ các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn đến huyện Văn Lãng. Tổng diện tích sử dụng đất thực hiện dự án giai đoạn 1 là 1.513 ha; hồ chứa nước sau khi hoàn thành đập dâng ngăn dòng có dung tích 164,3 triệu mét khối. Mục tiêu đầu tư dự án nhằm chống lũ tiểu mãn và lũ sớm; giảm lũ chính vụ cho thành phố Lạng Sơn và vùng phụ cận; cấp nước tưới 2.045 ha đất canh tác, gồm: tưới trực tiếp 1.671 ha, tạo nguồn 374 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 122.000 người; cấp nước cho công nghiệp 35.470 m3/ngày đêm. Ngoài ra, công trình còn có chức năng điều tiết nước cho môi trường hạ du phục vụ nuôi trồng thuỷ sản và phát điện.
Cuối tháng 10/2018, công trình chính thức được khởi công, đến đầu năm 2021, hạng mục công trình chính là đập đầu mối đã hoàn thành, vượt tiến độ 8 tháng so với kế hoạch, bước đầu giúp điều tiết lũ cho khu vực hạ du hiệu quả, an toàn.
Ông Nguyễn Văn Giang, Trưởng Ban Quản lý dự án hồ chứa nước Bản Lải cho biết: Khi mới triển khai dự án, công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công gặp nhiều khó khăn bởi công trình có 40 gói thầu thì có 30 gói được triển khai cùng lúc. Trong khi các đơn vị tham gia thi công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thì dịch COVID-19 xuất hiện. Để duy trì thi công, hàng trăm công nhân đã thực hiện nghiêm phương châm “ba tại chỗ”, tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hầu hết các kỹ sư, công nhân đã chấp nhận không có ngày nghỉ bên gia đình trong thời gian dài, tất cả đồng lòng vì mục tiêu quyết tâm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch. Nhờ đó, đến đầu năm 2021, hạng mục công trình đầu mối đã cơ bản hoàn thành và đủ điều kiện nút dòng, tích nước kỹ thuật.
Ngay sau đó, các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục kênh chính và hệ thống kênh dẫn dòng bờ trái, phải với tổng chiều dài hơn 9,6 km. Theo số liệu báo cáo của ban quản lý dự án, đến cuối tháng 12/2021, hệ thống kênh chính với chiều dài 1,5 km đã hoàn thành xây lắp, kênh dẫn dòng bờ trái và bờ phải đã hoàn thành 95% khối lượng.Theo kế hoạch, bước sang năm 2022, dự án hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 2 (hạng mục kênh mương thứ cấp) tiếp tục được đầu tư xây dựng với chiều dài 33 km với tổng kinh phí 230 tỷ đồng để hiện thực hoá việc đưa nước tưới cho các khu vực.
Để tạo điểm nhấn cũng như phục vụ cho công tác quản lý vận hành công trình đầu mối và hạng mục kênh mương sau này được thuận lợi, trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép chủ đầu tư bổ sung hạng mục xây dựng vườn hoa, kè chống sạt lở mái ta luy âm, mái ta tuy dương, trồng cỏ chỉnh trang cảnh quan khu vực cụm công trình đầu mối và xây dựng thêm 8 km đường bê tông trên hệ thống kênh mương.
Mặc dù công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng đã tác động tích cực đến đời sống của người dân cũng như giúp chính quyền hoạch định thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại huyện Lộc Bình và khu vực phụ cận.
Ông Vi Văn Lin, trú tại thôn Bản Chu, xã Khuất Xá cho biết: Từ đầu những năm 2000, người dân Khuất Xá đã nắm được chủ trương Nhà nước sẽ đầu tư công trình thuỷ lợi tại Bản Lải nhưng không nghĩ là công trình lại được đầu tư đồ sộ như thế. Khi dự án được triển khai cùng với chủ trương xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân trong xã đã được cải thiện đáng kể. Hệ thống đường công vụ phục vụ công trình giờ đây trở thành công trình hạ tầng giao thông quan trọng để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hoạt động thương mại, dịch vụ cũng nhờ đó có điều kiện phát triển.
Nói về việc khai thác tiềm năng, lợi thế của công trình hồ chứa nước Bản Lải, ông Hoàng Hùng Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Mặc dù công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng UBND huyện đã quy hoạch các xã: Sàn Viên, Khuất Xá, Tú Đoạn, Tĩnh Bắc khu vực quanh hồ và hạ lưu công trình với diện tích 1.000 ha để thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái hồ Bản Lải. Hiện đã có một số nhà đầu tư xin khảo sát lập dự án tại khu vực này, mục tiêu hướng đến là kết nối với dự án khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn, Cửa khẩu Chi Ma, hình thành chuỗi phát triển du lịch mang bản sắc riêng của huyện Lộc Bình.
Không những vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, để khai thác nguồn nước mặt rất lớn từ hồ chứa Bản Lải, hiện đã có một nhà đầu tư từ thành phố Hà Nội xin ý kiến cấp có thẩm quyền để thực hiện khảo sát lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước mặt hồ Bản Lải phục vụ cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất công nghiệp cho các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn với tổng mức đầu tư ước tính trên 1.000 tỷ đồng.
Với việc cắt lũ cho hạ du đã được bảo đảm an toàn, hàng chục ki – lô – mét kênh mương và hệ thống đường giao thông kết nối giữa các bản làng đã được cải tạo, nâng cấp khang trang và nhiều dự án mới đang được các nhà đầu tư ấp ủ, công trình hồ chứa nước Bản Lải đã và đang tạo những động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại khu vực trong vùng dự án.
Ý kiến ()