Dự án đường dây 500 kV mạch 3 có nguy cơ chậm tiến độ
Thời hạn để hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 không còn nhiều, nhưng đến nay, việc đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là rào cản lớn với đơn vị đầu tư, thi công.
Dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 (thuộc Dự án đường dây 500 kV mạch 3) với mục tiêu tăng cường năng lực truyền tải của lưới điện 500 kV liên kết các miền của hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới.
Thời hạn để hoàn thành dự án không còn nhiều, nhưng đến nay, việc đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là rào cản lớn với đơn vị đầu tư, thi công.
Chưa thống nhất phương án bồi thường
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB – đơn vị thay mặt Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia quản lý), các dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 đi qua các địa phương như Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai… đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng thi công.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các dự án này sẽ phải đóng điện trong quý IV năm nay. Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Kon Tum, với phần hành lang tuyến, còn 7 hộ dân (4 hộ tại thành phố Kon Tum và 3 hộ tại huyện Kon Rẫy) không đồng ý với phương án bồi thường, chưa bàn giao mặt bằng.
Ngoài ra, các phần đất của Công ty TNHH MTV Công ty cao su Kon Tum, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy còn gặp nhiều vướng mắc, các đơn vị này chưa bàn giao đất cho chủ đầu tư thi công dự án.
“Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã được thành phố Kon Tum phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tài sản bị ảnh hưởng (cây cao su). Sau khi có quyết định phê duyệt, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố chi trả tiền cho công ty theo quy định. Nhưng đến nay, đã hơn 10 tháng, Công ty Cao su Kon Tum vẫn chưa thanh lý số cây bị ảnh hưởng trong hành lang tuyến và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án,” ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Giám đốc CPMB cho hay.
Hay tại Gia Lai còn một vài hộ dân vẫn chưa thống nhất về chi phí đền bù. Đơn cử như tại huyện Chư Păh, vị trí VT369, hộ dân có yêu cầu quá cao về chi phí đền bù thi công (dao động từ 250-350 triệu đồng) như: đơn giá cây trồng ảnh hưởng trong quá trình thi công, đường vận chuyển nguyên vật liệu vào vị trí móng, mặt bằng mượn tạm và thi công đào tiếp địa đường dây. Do đó tại đây vẫn chưa triển khai thi công đào đúc móng.
Phần hành lang tuyến tại huyện này cũng vướng mắc với 2 hộ dân chưa phê duyệt phương án bồi thường do người dân có ý kiến về đơn giá cây trồng, nhà cửa, vật kiến trúc; giá đất tại một số vị trí mặt tiền đường liên xã, liên huyện thấp và 6 hộ đã phê duyệt phương án nhưng chưa nhận tiền bàn giao mặt bằng.
Đặc biệt tại tỉnh Quảng Ngãi, dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, báo cáo của CPMB nêu.
Theo ông Nguyễn Đình Thọ, đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku 2 đi qua huyện Bình Sơn, Trà Bồng Sơn Định, Sơn Hà, Ba Tơ… đều đang gặp nhiều vướng mắc.
Cụ thể, tại huyện Bình Sơn, về lập phương án bồi thường, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn đang lập để trình Ủy ban Nhân dân huyện Bình Sơn phê duyệt phần móng (còn 4 vị trí) và phần hành lang tuyến về bồi thường, hỗ trợ nhà, phương án tái định cư cho các hộ dân có nhà phải di dời ra khỏi hành lang điện theo quy định của Chính phủ.
Tại huyện Trà Bồng, vẫn chưa phê duyệt phương án bồi thường hành lang tuyến; huyện Sơn Tịnh chưa ban hành quyết định vị trí, loại đất trong hành lang tuyến trên địa bàn xã Tịnh Hiệp; có 24 nhà chuồng trại trong hành lang tuyến các chủ hộ xây dựng trên đất nông nghiệp không đúng mục đích sử dụng đất.
Ủy ban Nhân dân huyện, Ủy ban Nhân dân xã đang vận động để chủ hộ tháo dỡ, đến nay có 02/24 hộ thống nhất tháo dỡ. Hiện nay chính quyền địa phương đang tiếp tục vận động.
Tại huyện Ba Tơ, còn xã Ba Vì (90 hộ) dân chưa thẩm định phương án bồi thường phần móng trụ và hành lang tuyến do Ủy ban Nhân dân tỉnh chưa có quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp.
Đẩy nhanh bàn giao mặt bằng
Thời gian thi công dự án không còn nhiều nhưng khối lượng hiện còn lại là rất lớn. Những vướng mắc trong thực hiện giải phóng mặt bằng có thể sẽ khiến dự án không thể về đích đúng hẹn, đóng điện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và làm ảnh hưởng hiệu quả sản xuất-vận hành hệ thống điện quốc gia.
Để đảm bảo tiến độ các dự án, ông Nguyễn Đình Thọ kiến nghị, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố ảnh hưởng bởi dự án thống nhất chủ trương cho phép phê duyệt phương án bồi thường cho các hộ dân có nhà phải di dời trước khi duyệt phương án tái định cư, để các hộ dân chủ động sắp xếp cuộc sống.
Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân các huyện cần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, lập và trình duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ xây dựng dự án; thành lập Tổ công tác cấp huyện vận động, giải thích các chính sách về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân chưa thống nhất nhận tiền theo quyết định phê duyệt và các hộ dân đang tranh chấp.
“Trường hợp các hộ dân vẫn cố ý không nhận tiền, không bàn giao mặt bằng, đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố, huyện, xã có sự chỉ đạo, lập kế hoạch bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ đóng điện dự án trong tháng 11/2020,” lãnh đạo CPMB cho hay./.
Ý kiến ()