Dự án đường dây 220 kV Bắc Giang - Lạng Sơn: Chậm tiến độ
– Theo kế hoạch, dự án xây dựng đường dây điện 220 kV Bắc Giang – Lạng Sơn phải hoàn thành xây lắp các hạng mục và đưa vào vận hành từ tháng 9/2021, tuy nhiên, tính đến cuối năm 2021, dự án mới hoàn thành 70% kế hoạch. Trong đó, còn nhiều vị trí mố móng, dựng cột chưa được triển khai xây lắp.
Dự án đường dây điện 220 kV Bắc Giang – Lạng Sơn được khởi công xây dựng tháng 12/2017, do Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (trụ sở tại thành phố Đà Nẵng) làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành xây lắp, đóng điện trong tháng 9/2021. Quy mô dự án gồm: xây dựng đường dây 220 kV mạch kép có chiều dài 101,6 km tương ứng với 84 khoảng néo và 235 vị trí cột từ trạm biến áp Bắc Giang (đã có) đến trạm biến áp Lạng Sơn đặt tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc (xây mới) với tổng mức đầu tư hơn 816 tỷ đồng. Trong đó, công trình xây mới tại tỉnh Lạng Sơn gồm 182 vị trí cột kéo đường dây với chiều dài hơn 80 km và trạm biến áp 220 kV. Đơn vị trúng thầu thi công dự án là Công ty Cổ phần Điện lực Licogi 16 và Công ty Cổ phần Thái Bình Dương, hai đơn vị này đều có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh.
Công nhân đơn vị thi công thực hiện hiệu chỉnh thiết bị tại trạm biến áp 220 kV thuộc xã Phú Xá, huyện Cao Lộc nằm trong dự án đường dây 220 kV Bắc Giang – Lạng Sơn
Sau 4 năm triển khai thực hiện dự án, đến cuối năm 2021, hạng mục trạm biến áp 220 kV tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc đã hoàn thành xây lắp, chủ đầu tư và nhà thầu đang thực hiện nghiệm thu theo quy định. Tuy nhiên, tại các hạng mục khác, khối lượng dở dang còn rất lớn. Cụ thể, toàn tuyến đến nay mới thi công xong được 170/236 vị trí móng và dựng cột, chưa thi công kéo dây.
Sở dĩ việc xây dựng các hạng mục của dự án chậm tiến độ do các nhà thầu chưa tập trung tối đa nhân lực, vật lực để thi công các công trình. Đồng thời, việc bổ sung nhân lực của các nhà thầu rất chậm, nhất là việc bố trí cán bộ đến hiện trường để lập, phê duyệt phương án thi công giữa nhà thầu, chủ đầu tư với chính quyền địa phương tại những vị trí đã được bàn giao về mặt bằng.
Đầu tháng 9/2021, chủ đầu tư yêu cầu Công ty Cổ phần Điện lực Licogi 16 (đơn vị đảm nhận thi công 113/182 vị trí cột trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn) bố trí thêm ít nhất 3 tổ để thi công 34 vị trí cột đã đủ điều kiện nhằm đẩy nhanh tiến độ công trình nhưng việc bổ sung nhân lực rất hạn chế.
Ông Đào Duy Lợi, Chỉ huy trưởng công trường đường dây 220 kV Bắc Giang – Lạng Sơn thuộc Công ty Cổ phần Điện lực Licogi 16 thừa nhận: Do đơn vị thực hiện nhiều công trình và tình hình dịch COVID-19 phức tạp, việc huy động và điều phối nhân công có tay nghề gặp nhiều khó khăn. Đây là một hạn chế của đơn vị trong việc tăng cường nhân lực theo chỉ đạo của chủ đầu tư, dẫn đến một số hạng mục đang chậm tiến độ.
Được biết, đến hết ngày 29/12/2021, gói thầu do Công ty Cổ phần Điện lực Licogi 16 đảm nhiệm còn 10 vị trí móng chưa triển khai thi công và 40 trụ móng cột chưa lắp đặt kết cấu thép trụ cột điện đường dây 220 kV.
Đối với phần xây lắp của Công ty Cổ phần Thái Bình Dương, tiến độ có khá hơn. Trong tổng số 123 vị trí móng cần xây dựng, hiện còn 2 vị trí chưa thi công và 15 vị trí trụ móng cột đã đủ điều kiện dựng kết cấu thép cột nhưng đơn vị chưa triển khai.
Như vậy, tính đến cuối tháng 12/2021, dự án còn 12 vị trí móng cột chưa được triển khai xây dựng và 55 trụ móng cột chưa thực hiện lắp đặt kết cấu thép cột điện trên toàn tuyến
Ông Nguyễn Văn Tú, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật phụ trách Ban Điều hành dự án đường dây 220 kV Bắc Giang – Lạng Sơn thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết: Khối lượng các công việc cần thực hiện còn lớn nhưng hiện trên tuyến các nhà thầu cũng mới đang triển khai 11 tổ thi công gồm 5 tổ đúc móng và 6 tổ dựng cột. Để đẩy nhanh tiến độ, trong tháng 1/2022, Ban Điều hành sẽ tham mưu cho Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm việc với các nhà thầu, yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch thi công chi tiết theo tuần để thúc đẩy việc triển khai thi công, mục tiêu đến ngày 30/4/2022 hoàn thành xây lắp dự án.
Dự án đường dây 220 kV Bắc Giang – Lạng Sơn là công trình rất quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với tỉnh trong việc cung cấp điện ổn định phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Để hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao các huyện, thành phố đẩy nhanh giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, với việc điều hành của chủ đầu tư và năng lực của các nhà thầu thi công như hiện nay, mục tiêu dự án cơ bản hoàn thành vào cuối tháng 4/2022 sẽ khó khả thi. |
Ý kiến ()