Dự án điện nông thôn Yên Bái chậm tiến độ
Do chưa thực hiện đền bù cho người dân ở thôn 2, xã Phúc Lộc, TP Yên Bái cho nên các cột điện dù đã được dựng sẵn để lắp đặt máy biến áp vẫn bị bỏ không. Qua nhiều năm được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhưng đến nay tỉnh Yên Bái còn 175 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. Dự án năng lượng nông thôn 2 (REII) sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) được phê duyệt tại Quyết định 1503/QĐ-UBND ngày 25-10-2006 của tỉnh Yên Bái đã góp phần đưa điện đến các vùng nông thôn miền núi, cải thiện đáng kể đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới miền núi. Nhưng, vì nhiều lý do khác nhau dự án trên vẫn triển khai chậm, các bên đổ lỗi cho nhau vì tiến độ.Theo dự án REII, tỉnh Yên Bái có 37 xã thuộc các huyện trong tỉnh được đầu tư hơn 78 tỷ đồng, sau khi hoàn thành dự án, tỉnh tiếp tục được đầu tư mở rộng thêm 29 xã thuộc tám huyện, nhằm xây mới và cải tạo...
![]() Do chưa thực hiện đền bù cho người dân ở thôn 2, xã Phúc Lộc, TP Yên Bái cho nên các cột điện dù đã được dựng sẵn để lắp đặt máy biến áp vẫn bị bỏ không. |
Theo dự án REII, tỉnh Yên Bái có 37 xã thuộc các huyện trong tỉnh được đầu tư hơn 78 tỷ đồng, sau khi hoàn thành dự án, tỉnh tiếp tục được đầu tư mở rộng thêm 29 xã thuộc tám huyện, nhằm xây mới và cải tạo hơn 524 km đường điện hạ thế, lắp đặt mới 7.825 công-tơ một pha, với tổng dự toán được phê duyệt (cả phần bổ sung) gần 160 tỷ đồng. Các gói thầu “ngon ăn” như dây dẫn điện, công-tơ một pha đều xong hợp đồng mua bán, Ban quản lý dự án (QLDA) đã giao cho các nhà thầu thi công xây lắp, hiện chỉ hoàn thiện hồ sơ thanh toán theo đúng quy định. Một lý do được đưa ra là do năng lực nhà thầu kém, như gói thầu 6.5 cấp điện cho xã Chế Tạo huyện Mù Cang Chải, nhà thầu thứ nhất bỏ cuộc vì sau khi tính toán càng làm càng lỗ, nhà thầu thứ hai vào cuộc lại vướng thay đổi hướng tuyến. Trước đây điểm đấu nối điện từ trung tâm huyện Mù Cang Chải vào, nay thay đổi điểm đấu nối từ xã Hua Trai, huyện Mường La (Sơn La), lại gặp khu vực thi công hai thủy điện Phìn Hồ và Nậm Trai. Do hai công trình trên thi công làm ngập nước đường kéo dây dẫn, cộng với phải thay đổi thiết kế bằng cột thép chịu đứng và dây dẫn tăng cường chịu lực loại AC 50/30 mm2, thay cột bê-tông ly tâm và dây dẫn thông thường, nên kéo dài thời gian và tiếp tục chậm tiến độ.
Gói thầu xây lắp phần trung thế đi xã Làng Nhì và Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu), do Công ty TNHH Thanh Bình thi công gặp khó khăn không kém. Do địa hình dốc cao, vực sâu, cua gấp, đường đất nên đơn vị thi công phải mua mười con ngựa thồ vận chuyển vật liệu, phần việc sử dụng máy móc thi công rất hạn chế. Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình Bùi Văn Dân cho biết: Việc thi công ở địa hình rừng núi tốn rất nhiều nhân công vận chuyển, nhưng đưa vào chi phí thì không được chấp nhận thanh toán, càng làm càng lỗ, nên cần được phía chủ đầu tư xem xét bổ sung dự toán.
Cách làm “lách luật” của một số gói thầu là phớt lờ tiền đền bù cho dân khi đào hố chôn cột và kéo dây vào đất của nhân dân. Vì thế khi người dân phát hiện ra sai phạm này đã phản ứng quyết liệt. Bác Nguyễn Văn Thơm trú tại thôn 2, xã Phúc Lộc, TP Yên Bái cho biết: Nghe nói sắp có điện về, hơn 300 hộ dân trong làng ai cũng mừng, tôi ủng hộ 50 m2 đất trồng lúa làm trạm biến thế hạ áp 0,4 KVA. Chủ tịch UBND xã Phúc Lộc Nguyễn Văn Giáp cùng cán bộ địa chính xã, đội trưởng thi công đường điện đã ký xác nhận trả tiền đền bù cho gia đình vào cuối tháng 3-2012, nhưng không biết áp giá hỗ trợ bao nhiêu. Đầu tháng sáu đơn vị thi công đã dựng cột, đưa máy biến áp đến định lắp, nhưng gia đình chưa nhận được tiền đền bù đất lúa nên kiên quyết không cho lắp đặt thiết bị. Đến nay lời hứa trả tiền hỗ trợ đền bù của các nhà quản lý đã quá tám tháng, vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Tại xã Văn Tiến, TP Yên Bái, 6/6 thôn được triển khai dự án REII từ tháng 4-2012, nhân dân ủng hộ cho đào hố dựng cột bê-tông ly tâm, kéo dây điện hạ áp, đến nay chỉ còn vướng vài hộ. Tuy nhiên, do cách làm “tiền trảm, hậu tấu” không trả tiền hỗ trợ đền bù cho dân đã triển khai lắp đặt thiết bị, nên khi dân đòi tiền thì dự án giậm chân tại chỗ. Chủ tịch UBND xã Văn Tiến Trần Mạnh Cường bức xúc: Toàn bộ đường điện cũ do dân tự đóng góp từ năm 1993 nay đã xuống cấp; các thôn Ngòi Sen, Văn Quý ở xa nguồn nên chất lượng điện thấp. Người dân mong mỏi các đơn vị thi công tập trung triển khai nhanh để Tết này dân có điện sử dụng.
Đem câu hỏi này đến Ban quản lý REII Yên Bái, được biết nguyên nhân chậm là do công tác lập hồ sơ thu hồi đất, phê duyệt kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của một số địa phương trong tỉnh chậm. Tỉnh Yên Bái đã cấp vốn đối ứng là 17 tỷ đồng mà đến nay không có căn cứ để giải ngân. Mặt khác, quy định của UBND tỉnh về đơn giá đền bù chưa phù hợp với ngành điện, nhất là đơn giá đo vẽ quy hoạch còn nhiều bất cập nếu tính đủ thì khoản tiền này lên tới gần 25 tỷ đồng! Với gần 20 nghìn cột bê-tông cần bằng ấy bộ hồ sơ quyền sử dụng đất, nếu UBND các huyện không chỉ đạo sát sao Văn phòng đăng ký đất đai cùng phía nhà thầu thi công kiểm đếm, áp giá hỗ trợ đền bù cho dân, cùng hoàn thiện hồ sơ, thì tiến độ dự án REII ở Yên Bái tiếp tục chậm.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()