Dự án đầy tham vọng của hải quân Hàn Quốc
Hàn Quốc đang xúc tiến dự án đầy tham vọng là sở hữu một tàu sân bay nội địa vào năm 2033.
Quốc hội Hàn Quốc vừa thông qua khoản ngân sách đầu tiên trị giá 7,2 tỷ won (tương đương 6,1 triệu USD) dành cho dự án tàu sân bay của nước này (dự án CVX). Theo Asia Times, số tiền này sẽ được sử dụng như những khoản chi đầu tiên đối với công tác tư vấn, nghiên cứu khả thi và thiết kế.
Yonhap cho biết Hàn Quốc có kế hoạch đóng một tàu sân bay hạng nhẹ sử dụng các công nghệ nội địa. Chi phí đóng tàu sân bay này ước tính khoảng 2.000 tỷ won (tương đương 1,68 tỷ USD). Trong một đoạn video hồi tháng 11-2021, hải quân Hàn Quốc đã công bố mô hình 3D chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này.
Đoạn video cho thấy tàu sân bay có lượng choán nước 30.000 tấn, hoạt động trên biển cùng với các thành tố quan trọng khác trong nhóm tác chiến, gồm tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, tàu hỗ trợ chiến đấu và tàu ngầm. Các máy bay tiêm kích có khả năng cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng cũng xuất hiện trên tàu sân bay.
Mô hình 3D của chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên được hải quân Hàn Quốc công bố hồi tháng 11-2021. Ảnh: The Korea Times |
Theo Asia Times, tàu sân bay nội địa của Hàn Quốc có thể mang 20 máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F35-B.
Hải quân Hàn Quốc tuyên bố mục đích của dự án CVX là nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của lực lượng này. Tuy nhiên, một số ý kiến phản đối cho rằng hải quân Hàn Quốc nên tập trung vào những loại vũ khí khác hiệu quả hơn, vì tàu sân bay dễ bị tổn thương trước ngư lôi và các tên lửa chống hạm hiện đại.
Trong khi đó, nhiều ý kiến ủng hộ lại nhấn mạnh, tàu sân bay sẽ là biểu tượng cho sức mạnh hải quân ngày càng lớn cũng như là niềm tự hào dân tộc của Hàn Quốc.Tờ The Diplomat nhận định tàu sân bay sẽ giúp Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn vào các sứ mệnh quân sự và nhân đạo đa quốc gia cũng như bảo vệ lợi ích của Seoul tại những khu vực xa xôi ở nước ngoài. Theo Asia Times, ngoài “sức mạnh cứng”, việc sở hữu tàu sân bay còn mang tới “sức mạnh mềm”.
Đối với một quốc gia đang tìm cách nâng cao vị thế của mình ở những vùng biển xa xôi, tàu sân bay chính là “công cụ ngoại giao thể hiện năng lực và tầm với toàn cầu”.
“Tàu sân bay sẽ là “con tàu tiếng tăm”-một viên ngọc quý, bước nhảy vọt về công nghệ đối với lĩnh vực đóng tàu và quốc phòng của Hàn Quốc. Nó có thể góp phần phát triển các công nghệ quốc phòng nội địa”, Asia Times dẫn lời ông Chun In-bum, một vị tướng đã nghỉ hưu của Hàn Quốc vốn phản đối dự án CVX, thừa nhận.
Tờ The Diplomat cho rằng, mặc dù Hàn Quốc chưa từng đóng tàu sân bay nhưng ngành công nghiệp đóng tàu của nước này đủ khả năng “để không gặp thách thức nghiêm trọng nào”. Tuy vấn đề chi phí cùng các thách thức liên quan tới việc chế tạo và vận hành một tàu sân bay hạng nhẹ là không thể bỏ qua, song sẽ là sai lầm nếu cho rằng dự án CVX không đáng “đồng tiền bát gạo” đối với an ninh quốc gia.
“Tàu sân bay của Hàn Quốc tương đối nhỏ, khiến nó thậm chí khó bị phát hiện và khó bị tấn công hơn so với các siêu tàu sân bay của Mỹ. Thêm vào đó, tàu sân bay của Hàn Quốc sẽ được triển khai cùng với nhiều tàu hộ tống khác được trang bị năng lực chống tên lửa, chống ngầm, giúp nó được bảo vệ tốt hơn trước các cuộc tấn công. Mỹ vẫn thường xuyên kêu gọi Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn vào việc tăng cường an ninh khu vực bên ngoài bán đảo Triều Tiên. Một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hàn Quốc sẽ làm nổi bật vai trò của Seoul với tư cách đồng minh của Washington và một cường quốc khu vực mới nổi”, The Diplomat nêu rõ.
Theo Asia Times, dự án CVX đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia mới nhất bước vào cuộc đua tàu sân bay tại châu Á. Trung Quốc hiện đã sở hữu hai tàu sân bay hạng nặng đang hoạt động là Liêu Ninh (có lượng choán nước 67.000 tấn), Sơn Đông (có lượng choán nước 70.000 tấn) và một chiếc thứ ba đang được đóng, dự kiến sẽ hạ thủy trong năm 2022.
Trong năm 2021, Ấn Độ cũng đã tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay Vikrant (có lượng choán nước 45.000 tấn). Cũng trong năm 2021, Nhật Bản đã hoán cải tàu khu trục Izumo (có lượng choán nước 27.000 tấn) thành tàu sân bay hạng nhẹ có khả năng mang các máy bay tiêm kích F35-B.
Với khoản ngân sách đầu tiên được Quốc hội thông qua, Yonhap cho biết dự án CVX dự kiến sẽ được hải quân Hàn Quốc bắt đầu triển khai trong năm 2022. Hải quân Hàn Quốc khẳng định quyết tâm thực hiện dự án “bất chấp những thách thức ở phía trước có là gì đi chăng nữa”.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()