Thứ 6, 27/12/2024 01:46 [(GMT +7)]
Dự án chăn nuôi bò sinh sản ở Bình Gia: Cơ hội giúp dân thoát nghèo hiệu quả
Thứ 5, 06/12/2012 | 09:54:00 [(GMT +7)] A A
Theo ông Lê Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, dự án được triển khai có hiệu quả thì sau 2 năm đàn bò có thể sinh sản được và các hộ sẽ có chuồng trại chắc chắn, thu gom được phân bón, có giống cỏ để phát triển nhân rộng phục vụ cho chăn nuôi hoặc bán. Từ đó phát huy được tiềm năng sẵn có tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho nhân dân, thoát nghèo và có thể làm giàu trên mảnh đất của chính mình. Từ mô hình điểm của dự án, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương khác học tập, rút kinh nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo bền vững.
LSO-Giảm tỷ lệ hộ đói nghèo là một vấn đề quan trọng, ưu tiên hàng đầu của huyện Bình Gia. Do vậy, việc triển khai xây dựng các mô hình kinh tế, trong đó thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản là con đường giúp dân xóa đói giảm nghèo bền vững.
Chăn nuôi bò góp phần phát triển kinh tế gia đình
Minh Khai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Gia, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 78,75%. Từ nhiều năm nay người dân xã Minh Khai vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó, xã có địa hình nhiều đồi núi, nhiều đồng cỏ rộng là nguồn thức ăn cho gia súc, điều kiện khí hậu nhiệt đới chia làm 2 mùa rõ rệt, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, chăn nuôi. Do vậy, để giúp bà con nông dân xã giảm nghèo một cách bền vững, nhân rộng mô hình cho các địa phương khác, tháng 7/2012, UBND huyện Bình Gia đã tiến hành xây dựng và triển khai dự án “Hỗ trợ nhân rộng mô hình chăn nuôi bò sinh sản gắn với trồng cỏ cho các hộ nghèo trên địa bàn xã” với hỗ trợ kinh phí 250 triệu đồng của UBND tỉnh từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Qua tìm hiểu một số hộ dân ở xã chúng tôi được biết: thời gian qua, người dân đã dần tiếp cận được với tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, cũng như chăn nuôi. Tính đến hết tháng 11/2012, toàn xã có trên 13.000 con gia súc, gia cầm các loại. Các hộ nghèo đã có ý thức vươn lên tìm cách thoát nghèo, song còn thiếu định hướng chính xác, và mô hình kinh tế cụ thể. Chính vì vậy, khi biết tin xã được nhà nước hỗ trợ để xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi, nông dân rất phấn khởi.
Ông Lâm Văn Phoỏng, Chủ tịch UBND xã cho biết: hộ nghèo trong xã thì nhiều nhưng nguồn kinh phí hỗ trợ thì hạn hẹp, nên xã đã khảo sát và chọn ra 2 thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến hơn 90% nhưng có nhiều điều kiện phát triển chăn nuôi (đồng cỏ rộng) là thôn Bản Tăn và Nà Khuôn. Khâu lựa chọn hộ dân được hỗ trợ cũng được thực hiện ngay từ các thôn, chính bà con thôn bản bầu chọn nên rất khách quan và chính xác. Qua đó, đã chọn ra được 20 hộ nghèo. Dự án sẽ đầu tư cho mỗi hộ 1 con bò giống với giá 10 triệu đồng, hỗ trợ vật tư chủ yếu cho xây dựng chuồng trại mỗi hộ 2 triệu đồng, đồng thời mời các chuyên gia về tập huấn những thao tác kỹ thuật cần thiết. Trên thực tế, đã có một số hộ được lựa chọn nhưng nhận thấy không có đủ khả năng chăm sóc vật nuôi nên đã xin rút và nhường cho hộ khác. Anh Lý Văn Thức, thôn Bản Tằn tâm sự: khi biết gia đình anh được nhận hỗ trợ từ dự án, gia đình rất mừng, các thành viên đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị chuồng trại và diện tích đất để trồng cỏ. Đây là cơ hội để gia đình anh thoát khỏi cái đói, cái nghèo.
Theo ông Lê Tiến Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, dự án được triển khai có hiệu quả thì sau 2 năm đàn bò có thể sinh sản được và các hộ sẽ có chuồng trại chắc chắn, thu gom được phân bón, có giống cỏ để phát triển nhân rộng phục vụ cho chăn nuôi hoặc bán. Từ đó phát huy được tiềm năng sẵn có tại địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho nhân dân, thoát nghèo và có thể làm giàu trên mảnh đất của chính mình. Từ mô hình điểm của dự án, sẽ tạo điều kiện cho các địa phương khác học tập, rút kinh nghiệm, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói giảm nghèo bền vững.
Anh Dũng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()