Dự án cầu LRAMP chậm tiến độ
LSO- Theo kế hoạch của Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, trong tháng 6 - 7/2018, hợp phần cầu dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản địa phương (LRAMP) gồm 16 công trình cầu dân sinh phải hoàn thành và đưa vào khai thác. Thời hạn thi công sắp hết, nhưng còn tới gần 75% số công trình vẫn trong tình trạng dở dang, một số công trình khối lượng thi công đạt rất thấp.
Hợp phần cầu dân sinh do Ban Quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư), Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng các công trình giao thông, Sở Giao thông Vận tải Lạng Sơn thực hiện một số nhiệm vụ quản lý dự án do Ban Quản lý dự án 3 ủy nhiệm. Các công trình cầu được triển khai thi công chính thức từ đầu tháng 11/2017. Theo kế hoạch của chủ đầu tư, đến cuối quý II và tháng đầu của quý III/2018, các công trình sẽ hoàn thành đưa vào khai thác.
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Cửa Đông – đơn vị giám sát thi công, tính đến giữa tháng 6/2018, có 4 cầu dân sinh dự án LRAMP cơ bản hoàn thành đúng tiến độ là: cầu Phiêng Cù (thành phố Lạng Sơn); cầu Nà Tu, Thái Bằng (Bắc Sơn); cầu Nà Kéc (Bình Gia). Còn lại 12 công trình gồm: Cầu Loi, Ao Cả (Hữu Lũng); Mỏ Đá, Nà Cuối (huyện Chi Lăng); Nà Dài, Thà Trang, Nà Háo (Tràng Định); Pò Pheo, Còn Noọc (Văn Lãng); Cốc Ội, Pắc Thoong (Bình Gia), cầu Bản Mù (Văn Quan) đều chậm tiến độ.
Đánh giá của đơn vị tư vấn giám sát khẳng định, thời hạn thi công tại các công trình cầu thuộc các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng, Tràng Định, Bình Gia, Văn Quan đã gần hết nhưng việc huy động nhân lực, thiết bị phục vụ thi công chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ chậm tiến độ so với yêu cầu của chủ đầu tư đặt ra.
Tổ Tư vấn giám sát thi công kiểm tra kết cấu thép trước khi nghiệm thu tại công trình cầu Nà Cuối, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng
Thực tế, hầu hết các công trình chậm tiến độ đều do các nhà thầu ngoài tỉnh chưa quyết liệt trong việc huy động vật lực triển khai. Trong đó, Công ty Cổ phần 873 – Xây dựng công trình giao thông có trụ sở tại thành phố Hà Nội, thi công cầu Ao Cả và Mỏ Đá đến giữa tháng 6/2018 mới đạt khoảng 75% khối lượng; Công ty Cổ phần Phát triển kinh doanh Hà Nội thi công cầu Loi, Nà Cuối, mới đạt khoảng 80% khối lượng; Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Xây dựng Bình Minh thi công cầu Bản Mù, Cốc Ội, Pắc Thoong khối lượng thực hiện dưới 50% giá trị hợp đồng xây lắp. Đáng chú ý, cầu Cốc Ội hầu như chưa thi công, thời điểm giữa tháng 6/2018, trên công trường vẫn không có nhân công.
Khảo sát thực tế tại các công trình trên địa bàn 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng tại thời điểm ngày 14/6/2018 cho thấy: nhân lực, thiết bị máy móc phục vụ thi công trên công trường rất ít. Đáng chú ý, hầu như các công trình này đều được chủ đầu tư tạm ứng nguồn vốn để thi công, tới 50% giá trị hợp đồng trúng thầu xây lắp. Mặc dù được bàn giao mặt bằng từ rất sớm và Ban Quản lý của Sở Giao thông – Vận tải Lạng Sơn cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc bám sát tại hiện trường để xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi công, nhưng các đơn vị vẫn chây ì, thậm chí có biểu hiện coi thường cơ quan được giao ủy nhiệm quản lý dự án, giám sát thi công do địa phương đảm nhiệm.
Ông Triệu Công Trực, Tổ trưởng Tư vấn giám sát thi công, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Cửa Đông cho biết: Tư vấn giám sát đã nhiều lần nhắc nhở và có văn bản báo cáo chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng nhà thầu vẫn chây ỳ, không những thế một số nhà thầu còn triển khai giải pháp thi công không đúng với quy trình xây lắp. Riêng các cầu: Ao Cả, Mỏ Đá, Nà Cuối, Cầu Loi trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Hữu Lũng đến 15/6/2018 phải hoàn thành nhưng khối lượng còn lớn, phải gia hạn hoàn thành thêm 15 ngày. Tuy nhiên các nhà thầu vẫn triển khai thiếu quyết liệt, đến cuối tháng 6/2018, các công trình này vẫn chưa thể hoàn thành theo kế hoạch gia hạn.
TRANG NINH
Ý kiến ()