Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B: Khẩn trương tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh thi công các hạng mục
– Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong năm 2022, công trình cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18 là một trong các dự án trọng điểm của tỉnh phải hoàn thành 60% khối lượng nền đường và thi công xong 6/8 công trình cầu giao thông trên tuyến. Tuy nhiên, đến giữa tháng 3/2022, khối lượng xây lắp toàn dự án mới đạt khoảng 15% giá trị hợp đồng.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn km 3 700 đến km 18 được thiết kế theo quy mô đường cấp III, mặt cắt nền mặt đường rộng 24,5 m với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h. Toàn tuyến có 8 cầu bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 công trình hầm chui dân sinh. Tổng mức đầu tư 988 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây lắp 620 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí khác 368 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 4/2021, dự kiến hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác năm 2024.
Nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang thi công bệ móng cầu Bản Tằng 2, thuộc địa bàn huyện Lộc Bình
Sau khi dự án được khởi công, chủ đầu tư đã tích cực phối hợp với UBND các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc tập trung giải phóng mặt bằng và tổ chức triển khai thi công tại hiện trường. Tính đến giữa tháng 3/2022, hai huyện đã bàn giao mặt bằng được 48,57 ha, tương đương 50% diện tích cần thu hồi. Tuy nhiên, nhiều diện tích mặt bằng đã giao tại các vị trí trên tuyến không liền khoảnh và đủ độ rộng, dài cần thiết, dẫn đến việc tổ chức triển khai thi công gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch bãi đổ thải, mỏ đất đắp phục vụ thi công dự án chưa được cập nhật kịp thời, các khu tái định cư hiện đang trong quá trình triển khai chưa bố trí cho các hộ bị ảnh hưởng cũng khiến cho công tác thi công các hạng mục gặp vướng mắc.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Thanh (tỉnh Thái Bình) đảm nhiệm thi công đoạn từ km 6 500 đến km 9 853 nằm trên địa bàn xã Gia Cát huyện Cao Lộc. Đến nay, đơn vị này mới nhận bàn giao mặt bằng tại km 6 600 đến km 6 800; km 8 200 đến km 9 200 và từ km 9 470 đến km 9 853. Ngoài ra, khu vực đoạn tuyến công ty đảm nhiệm thi công hiện chưa có bãi đổ thải và thiếu mỏ đất đắp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, khiến cho việc thi công của đơn vị trong gần 1 năm qua rất chậm.
Ông Hoàng Văn Thông, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trường Thanh cho biết: Nếu chủ đầu tư và huyện Cao Lộc bàn giao mặt bằng sạch trong tháng 6/2022, đơn vị sẽ hoàn thành mở nền thông tuyến theo thiết kế và thi công lớp móng đường đạt tối thiểu 50% trong năm 2022.
Ngoài ra, các nhà thầu khác thực hiện thi công trên tuyến như: Công ty Cổ phần Xây dựng Trường An; Công ty Cổ phần Xây dựng Xuân Quang; Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị UDIC; Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Sơn cũng gặp vướng mắc về mặt bằng, di dời cáp viễn thông, hệ thống đường dây điện trên tuyến, bãi đổ thải đất hữu cơ.
Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về mặt bằng thi công trên tuyến, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã phối hợp với UBND 2 huyện: Lộc Bình và Cao Lộc để xử lý dứt điểm.
Ông Trịnh Tuấn Đông, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Hiện tại, ban đã cử cán bộ chuyên trách có nhiều năm kinh nghiệm về giải phóng mặt bằng để hỗ trợ các huyện thúc đẩy giải phóng mặt bằng dự án. Đặc biệt là các vị trí mặt bằng đã bàn giao nhưng chưa liền khoảnh trên địa bàn huyện Cao Lộc để các nhà thầu triển khai thi công đồng bộ, bảo đảm chất lượng trước tháng 6/2022.
Đối với các vị trí bãi đổ thải, mỏ đất đắp phục vụ dự án, ban cũng đã làm việc với UBND 2 huyện và Sở Tài nguyên – Môi trường xác định vị trí trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, ban kiến nghị với UBND 2 huyện: Lộc Bình và Cao Lộc đẩy nhanh tiến độ hai công trình tái định cư để bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng nhà ở trên tuyến.
Liên quan đến các vị trí đã bàn giao mặt bằng nhưng chưa liền khoảnh, UBND huyện Cao Lộc đã tổ chức rà soát xong các thửa đất của các hộ và tổ chức đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ dân, từ đó, có biện pháp xử lý hiệu quả.
Được biết, tính đến giữa tháng 3/2022, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn từ km 3 700 đến km 18, khối lượng thực hiện đào đắp đạt 800 nghìn mét khối, triển khai thi công 5/8 công trình cầu trên tuyến, giá trị xây lắp ước đạt 94 tỷ đồng/620 tỷ đồng, tương đương 15% kế hoạch, giải ngân vốn kế hoạch năm 2022 được 63,7/249 tỷ đồng, tương đương 25,6% kế hoạch.
Ý kiến ()