Dự án BMGF-VN: Cần có giải pháp duy trì hiệu quả
(LSO) – Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill and Melinda Gate (Hoa Kỳ) tài trợ (gọi tắt là BMGF-VN) được triển khai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ năm 2011. Đến nay, sau 10 năm thực hiện, việc duy trì dự án gặp rất nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc duy trì tính hiệu quả của dự án này.
Tại tỉnh Lạng Sơn, Dự án BMGF-VN đã trang bị 190 máy tính và các thiết bị phụ trợ đi kèm; trong đó: 40 máy tính cho Thư viện tỉnh, 100 máy cho 10 thư viện cấp huyện và 50 máy cho 10 thư viện cấp xã. Toàn bộ máy tính tại các điểm này đều được kết nối mạng Internet băng thông rộng để phục vụ người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Dự án đã kết thúc năm 2016 và đạt được những kết quả thiết thực, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn có điều kiện tiếp cận với máy tính và từng bước biết khai thác và áp dụng tri thức vào thực tế đời sống.
Hệ thống máy tính Dự án BMGF-VN tại Thư viện huyện Chi Lăng thưa vắng người sử dụng
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của dự án, ngày 22/8/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 149 về việc duy trì bền vững kết quả Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill and Melinda Gate tài trợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, các sở, ngành, UBND các huyện căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện dự án. Nguồn ngân sách duy trì dự án được cân đối từ kinh phí ngân sách của tỉnh, các huyện hằng năm với mục tiêu phấn đấu 80-100% các điểm tiếp nhận dự án duy trì hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên đến nay, thời hạn thực hiện kế hoạch đã hết nhưng hiệu quả hoạt động của dự án không như mong đợi (chỉ có gần 43% các điểm tiếp nhận dự án duy trì hoạt động). Đáng chú ý, trong số 190 máy tính được tài trợ, hiện chỉ còn 43 máy còn phục vụ bạn đọc, trong đó, Thư viện tỉnh duy trì được 19 máy, 10 điểm thư viện huyện duy trì được 21 máy và 10 điểm thư viện xã chỉ còn duy trì được 3 máy.
Chúng tôi đến Thư viện huyện Chi Lăng vào những ngày đầu tháng 2/2021 – nơi được dự án BMGF-VN trang bị 10 bộ máy tính phục vụ truy cập Internet. Những gì chúng tôi nhìn thấy là hệ thống máy cũ, hỏng rất nhiều, phòng máy thưa vắng người. Chị Nguyễn Thị Bích Vân, cán bộ phụ trách Thư viện huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2017, do dự án BMGF-VN đã kết thúc, không được đầu tư nên chúng tôi không có nguồn chi cho việc nâng cấp, sửa chữa máy móc. Đến nay, chúng tôi chỉ còn 2 máy tính hoạt động phục vụ bạn đọc. Do vậy, từ năm 2018 đến nay, lượng khách đến đây rất ít, trung bình chỉ có khoảng 30 người/tháng đến truy cập máy tính.
Không riêng Thư viện huyện Chi Lăng, việc hoạt động cầm chừng cũng là tình trạng chung của nhiều thư viện tiếp nhận dự án. Theo thông tin của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngoài Thư viện tỉnh đáp ứng yêu cầu của dự án đề ra với 40.000 lượt người truy cập/năm, hiện nay, trung bình 1 điểm thư viện huyện chỉ có gần 100 lượt người truy cập/năm. Tại các điểm thư viện cấp xã, bình quân chỉ có từ 10 đến 20 người đến truy cập/tháng.
Nói về nguyên nhân của tình trạng trên, bà Phạm Minh Hạnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Sở dĩ dự án chưa thu hút được người sử dụng là do chính quyền cơ sở chưa quan tâm tuyên truyền, người dân còn thiếu thông tin và nhận thức về lợi ích của máy tính. Bên cạnh đó, một số điểm thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhu cầu sử dụng dịch vụ ít; nhiều điểm cán bộ phục vụ kiêm nhiệm nên thời gian mở cửa chưa thường xuyên… Ngoài ra, hầu hết các thư viện huyện, xã không được cấp nguồn kinh phí đối ứng cho hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế máy tính nên một số điểm không mở cửa thường xuyên hoặc dừng hoạt động.
Ông Phan Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Do thực trạng máy móc, thiết bị phục vụ dự án tại hệ thống thư viện cấp huyện, cấp xã phần lớn đã hư hỏng, xuống cấp; đồng thời, hiệu quả phục vụ trong giai đoạn 2017 – 2020 chưa cao và còn tồn tại một số vấn đề bất cập; trong tháng 3/2021, chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát thực tế, trao đổi trực tiếp với UBND các huyện, thư viện ở cơ sở để có cơ sở tổng hợp, tham mưu phương án, giải pháp phù hợp tiếp tục duy trì Dự án BMGF-VN trong giai đoạn tiếp theo”.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp, ngành và các cơ quan, đơn vị chức năng sẽ có những giải pháp tốt nhất duy trì bền vững và hoạt động có hiệu quả của các điểm tham gia dự án để dự án thực sự mang đến lợi ích thiết thực cho người dân.
Ý kiến ()