Dự án 8: Lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số
Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tháng 8/2023
– Sau 3 năm triển khai Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, trong Chương trình mục tiêu Quốc gia dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025 (Dự án 8) đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu tổng quát của Dự án 8 là nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi. Hiện nay toàn tỉnh có trên 145 nghìn hội viên phụ nữ, trong đó gần 84% hội viên là đồng bào DTTS. Thực hiện Dự án 8, trong 3 năm qua các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phần việc ý nghĩa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.
Đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới
Từ mục tiêu tổng quát của Dự án 8, các cấp hội phụ nữ đã đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới đến hội viên và Nhân dân. Trong đó, các cấp hội thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thi, qua mạng xã hội… Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền, lồng ghép về bình đẳng giới được trên 10.000 cuộc cho trên 500 nghìn lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền về: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực…
Chị Nông Thị Nga, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Đại Nam, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Được các cấp hội tuyên truyền về bình đẳng giới tôi có thêm hiểu biết, nhận thức đúng đắn về quyền và lợi ích của phụ nữ trên các lĩnh vực. Mặc dù gia đình sinh con một bề nhưng vợ chồng tôi luôn thấu hiểu nhau, chồng tôi không bắt buộc sinh thêm con thứ 3, quyết tâm nuôi dạy 2 cô con gái thật tốt.
Đặc biệt trong năm 2023, để công tác tuyên truyền về bình đẳng giới tạo điểm nhấn, lan tỏa trong cộng đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, huyện đã tổ chức 5 cuộc liên hoan, biểu dương Chủ tịch Hội LHPN cơ sở, chi hội trưởng vùng DTTS tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới; 10 hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp tổ chức lễ phát động Chiến dịch truyền thông ra quân hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện Bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 với gần 500 người tham gia…
Bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Gia chia sẻ: Hội LHPN Bình Gia hiện có hơn 11 nghìn hội viên, 20 cơ sở hội và đơn vị trực thuộc. Thực hiện Dự án 8, từ năm 2021 đến nay chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới dưới nhiều hình thức như: phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép trong sinh hoạt hội, nói chuyện chuyên đề… Đặc biệt, hằng năm có các hoạt động truyền thông lớn cấp huyện hưởng ứng tháng cao điểm hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia. Trước các buổi tuyên truyền, chúng tôi tiến hành khảo sát, lựa chọn vấn đề cốt lõi, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tập trung tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại đối với phụ nữ, trẻ em.
Từ công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên và Nhân dân, tạo chuyển biến tích cực trong công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh. Hiện nay 30% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh là phụ nữ; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 tăng từ 2% đến 5% so với nhiệm kỳ trước; tỷ lệ nữ là lãnh đạo quản lý các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, quản lý cấp phòng và tương đương chiếm từ 25% đến 40%…
Xây dựng các mô hình thiết thực
Để Dự án 8 đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em DTTS, Hội LHPN tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo điểm và hướng dẫn xây dựng các mô hình thuộc Dự án 8 như: câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; “Địa chỉ tin cậy” (nơi tạm lánh của nạn nhân bị bạo lực gia đình) và tổ truyền thông cộng đồng. Đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 584 tổ truyền thông cộng đồng (vượt 15% chỉ tiêu đến năm 2025 – thành lập 506 tổ); 84 câu lạc bộ “thủ lĩnh của sự thay đổi” (đạt 83% chỉ tiêu đến năm 2025 – thành lập 101 câu lạc bộ); 102 “Địa chỉ tin cậy” (vượt 85% chỉ tiêu đến năm 2025 – xây dựng 55 “Địa chỉ tin cậy”).
Các mô hình ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, thúc đẩy xã hội thực hiện bình đẳng giới. Hội LHPN tỉnh chủ động xây dựng, lựa chọn 10 xã điểm thuộc 10 huyện để xây dựng mô hình mẫu, từ đó các đơn vị học tập và làm theo. Trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình, nội dung hoạt động vận dụng sáng tạo, linh hoạt theo đặc thù từng địa bàn và phát huy vai trò của hội viên, người dân, cộng đồng trong tổ chức, tham gia các mô hình.
Xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc được Hội LHPN tỉnh lựa chọn là đơn vị điểm để thành lập và ra mắt các tổ truyền thông cộng đồng. Trong đó, tổ truyền thông cộng đồng thôn Chè Lân, xã Hoà Cư là thôn được Hội LHPN tỉnh trực tiếp hướng dẫn hoạt động và quản lý. Tổ được thành lập từ tháng 10/2023 với 10 thành viên. Từ khi thành lập, ra mắt đến nay các tổ duy trì các hoạt động: tuyên truyền miệng, lồng ghép trong các buổi họp thôn, phát tờ rơi đến từng hộ trong thôn… Các nội dung tuyên truyền đều liên quan đến giới và bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua các hoạt động này giúp người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về giới, loại bỏ định kiến giới, thói quen, hủ tục lạc hậu, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, bình đẳng.
Bà Lưu Thị Thơn, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoà Cư, huyện Cao Lộc cho biết: Xã Hòa Cư có 100% dân số là người DTTS, nên nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Việc thành lập các tổ truyền thông góp phần tuyên truyền cho người dân nhận thức rõ hơn về những kiến thức bình đẳng giới, không phân biệt đối xử với phụ nữ. Thời gian đầu mới thành lập, các tổ truyền thông cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tổ chức cũng như tuyên truyền, song nhờ có tiếng nói của người có uy tín, bí thư chi bộ… mà những nội dung như thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà; hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình đã được người dân nhận thức đầy đủ hơn. Trong 3 năm qua xã không xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình.
Cùng với việc tổ chức ra mắt các mô hình, Hội LHPN tỉnh chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, các kỹ năng hỗ trợ nạn nhân và vận hành “Địa chỉ tin cậy”; hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sự kiện truyền thông, tổ chức sinh hoạt cho thành viên của các mô hình, câu lạc bộ và người dân trong cộng đồng.
Bà Nông Thanh Hải, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Qua 3 năm thực hiện Dự án 8 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em DTTS trên địa bàn tỉnh. Các mục tiêu và nội dung của Dự án 8 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cấp hội duy trì và thành lập các mô hình theo chỉ tiêu đến năm 2025, trong có mô hình mới như thành lập tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản; hỗ trợ tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; tổ chức các đợt đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS cấp huyện, xã… Từ đó phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Dự án 8 giai đoạn 2021 – 2025.
Với cách làm hiệu quả, mô hình sáng tạo trong việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 của các cấp hội phụ nữ, đã từng bước thay đổi, nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực hiện bình đẳng giới. Từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn.
DƯƠNG DUYÊN - THU HIỀN
Ý kiến ()