LSO-Thực hiện Nghị quyết số 03/1993 của Tỉnh uỷ “Về củng cố, xây dựng biên giới vững mạnh toàn diện“, từ năm 1995, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề số 71 và NQ số 100/ NQ- ĐU/ 2007 “Về lãnh đạo nhiệm vụ BĐBP Lạng Sơn giúp dân xây dựng, củng cố cơ sở chính trị phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm quốc phòng – an ninh trên địa bàn biên giới”; trong đó luôn xác định phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Dự án 661 do BĐBP làm chủ đầu tư.
Từ năm 1995 đến nay, BCH BĐBP tỉnh đã triển khai Dự án 661 “Về tổ chức triển khai công tác trồng rừng tại các thôn bản, các xã giáp biên thuộc 5 huyện biên giới. Sau 15 năm tổ chức triển khai, Dự án 661 do BCH BĐBP tỉnh đầu tư đã thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội; dự án đã làm thay đổi diện mạo khu vực các xã giáp biên.
|
Rừng dự án 661 tại xã Thụy Hùng (Văn Lãng) |
Dự án được triển khai từ năm 1995. Bước đầu công tác tổ chức triển khai thực hiện dự án có gặp nhiều khó khăn vì nhận thức của nhân dân các thôn bản ở các xã giáp biên hạn chế. Với kinh nghiệm và bản lĩnh kiên nhẫn vận động quần chúng của các cán bộ, chiến sỹ Ban quản lý Dự án, cán bộ chiến sỹ các đồn biên phòng đã bám sát địa bàn phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của việc triển khai dự án; từ đó vận động nhân dân cùng với BĐBP hợp tác triển khai thực hiện công tác trồng rừng theo dự án. Đến nay, trên địa bàn 5 huyện biên giới đã có 10 xã, với 32 thôn bản, 964 hộ gia đình có diện tích trồng thông theo dự án với tổng diện tích đạt 3.837 ha; trong đó diện tích rừng thông trên 5 tuổi là 3.394 ha. Với tổng số vốn giải ngân cho dự án trên 5,2 tỷ đồng, Dự án đã góp phần nâng độ che phủ của rừng từ 26,1% (năm 1997) lên 34,72% cuối năm 2006. Dự án tổ chức triển khai được cán bộ, chiến sĩ BĐBP hướng dẫn tỉ mỉ về quy trình kỹ thuật từ khâu đào hố đến khâu trồng và quy trình chăm sóc bảo vệ nên tỷ lệ cây sống đạt cao, trên 85%. Cộng với cách quản lý khoa học 1 năm trồng, 3 năm chăm sóc và 5 năm bảo vệ đã gắn trách nhiệm của các hộ gia đình với diện tích rừng trồng nên sau nhiều năm thực hiện diện tích rừng thông đã phát triển tốt, số thông trồng đến nay đã cơ bản được khép tán; có gần 50% diện tích thông đã cho thu hoạch nhựa. Đi đầu trong việc triển khai dự án có xã Xuất Lễ (Cao Lộc), xã Tú Mịch (Lộc Bình). Năm 2010, Dự án 661 tại các xã biên giới đã cho khai thác nhựa thông ước đạt khoảng 2.000 tấn. Một số hộ đi đầu trong việc thực hiện dự án đã có thu nhập cao từ nhựa thông như hộ ông Tô Văn Suất, Bản Lầy, xã Xuất Lễ (Cao Lộc) đã trồng 50 ha đến nay bắt đầu cho thu hoạch nhựa. Hộ ông Lý Văn Hưởng, Lý Văn Giỏi ở xã Xuất Lễ (Cao Lộc) đã có thu nhập từ nhựa thông đạt 150- 170 triệu đồng…
Dự án 661 do BĐBP làm chủ đầu tư tại các xã biên giới đã có hiệu quả thiết thực trên các mặt của đời sống xã hội. Đối với môi trường đã nâng đáng kể về độ che phủ rừng khu vực biên giới trên diện tích dài 45 km, chiều sâu 1-2 km, góp phần làm cân bằng sinh thái môi trường, chống xói mòn đất, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, dự án đã tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động cư dân biên giới. Nhân dân khu vực có dự án phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và tích cực tham gia bảo vệ đường biên mốc giới, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia; thông qua đó cũng tạo điều kiện cho các đồn biên phòng thực hiện nhiệm vụ, tạo cơ sở xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, từng bước xây dựng vùng biên giới vững mạnh toàn diện theo định hướng chiến lược của Đảng.
Ý kiến ()