Dư âm Lễ hội hoa Đào xứ Lạng
(LSO) – Lễ hội hoa Đào lần thứ II – xuân Kỷ Hợi 2019 đã kết thúc vào ngày 16/2 vừa qua, song dư âm của gần 1 tháng diễn ra lễ hội với hình ảnh những cây hoa đào rực rỡ ngập tràn sắc xuân vẫn luôn đậm nét trong tâm trí mỗi người.
Những ấn tượng đẹp
Điểm nhấn của Lễ hội hoa Đào năm nay chính là chương trình nghệ thuật mở màn trong đêm khai mạc, với chủ đề “Hoa đào Xứ Lạng – tinh khiết và hội tụ” quy tụ một lực lượng lớn các nghệ sĩ, diễn viên, MC nổi tiếng. Đáng chú ý là màn nghệ thuật mang âm hưởng dân ca dân tộc hiện đại với rất nhiều ca khúc mới về Lạng Sơn – xứ sở hoa đào.
Du khách tham quan Lễ hội hoa Đào
Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa thuộc Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam nhận xét: Lễ hội hoa Đào của Lạng Sơn rất đặc sắc, theo tôi biết ở Trung Quốc chưa có lễ hội hoa đào mà mới chỉ có lễ hội hoa mẫu đơn và những loại hoa khác. Đối với Lễ hội hoa Đào Lạng Sơn, tôi thực sự ấn tượng với không gian thiết kế mỹ thuật và cách bày trí hoa đào hết sức độc đáo và đẹp mắt, tôi cũng cảm nhận được không khí vui tươi, hòa đồng và mến khách của người dân xứ Lạng.
Lan tỏa thương hiệu xứ hoa Đào
Lễ hội năm nay đã mang đến cho du khách những trải nghiệm vô cùng thú vị thông qua các hoạt động triển lãm ảnh, giới thiệu sản phẩm của 11 huyện, thành phố và không gian trưng bày văn hóa của 3 nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Ngoài chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm cùng hoa đào, xuyên suốt trong khoảng thời gian diễn ra lễ hội vừa qua, du khách còn được trải nghiệm những chương trình nghệ thuật đường phố với các tiết mục văn nghệ dân gian, hát sli, lượn, múa sư tử mèo, múa võ cổ truyền, khiêu vũ hiện đại, tour du lịch tham quan vườn đào… vô cùng đặc sắc thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đã đến tham quan, mua sắm, vui chơi mỗi ngày. Tính riêng trong 9 ngày nghỉ tết Nguyên Đán, lễ hội đã thu hút trên 20.000 lượt khách du lịch.
Có thể thấy, Lễ hội hoa Đào được tổ chức không chỉ bảo tồn giá trị của cây hoa đào, mà còn là hoạt động thiết thực quảng bá hình ảnh, mảnh đất và con người xứ Lạng. Việc tổ chức lễ hội thành công cũng đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa giữa Lạng Sơn với các tỉnh, các nước trong khu vực, tạo đà để tỉnh thu hút đầu tư, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
Khắc phục thiếu sót
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Lễ hội hoa Đào xứ Lạng năm 2019 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: các sản phẩm về hoa đào vẫn chưa đa dạng; các sản vật tại các địa phương được bày bán số lượng nhỏ; một số cây đào có hiện tượng khô, héo do chưa được bảo quản tốt…
Lý giải về vấn đề một số cây đào bị khô, héo vào những ngày cuối của lễ hội, ông Nguyễn Ngọc Huân, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV quảng cáo Minh Trí (thành phố Lạng Sơn) – đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp chăm sóc cây đào cho biết: Hằng ngày, chúng tôi tưới nước và chăm sóc cho các cây hoa đào được trưng bày. Tuy nhiên, do một số cây hoa đào của các huyện bị đánh gốc sai kỹ thuật, làm đứt rễ, cộng với thời tiết nắng nóng trên 30 độ C đã khiến một số cây hoa bị khô, héo. Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi sẽ lưu tâm và khắc phục trong những lần sau.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội hoa Đào Xứ Lạng năm 2019, cho biết: Đây là năm thứ 2 tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lễ hội hoa Đào – một trong những sự kiện quan trọng của tỉnh hưởng ứng năm du lịch quốc gia 2019 – và đã đạt được những thành công nhất định. Với những hạn chế, chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, rút kinh nghiệm để lễ hội hoa đào những năm sau sẽ tốt hơn, hấp dẫn hơn.
Thiết nghĩ, để khắc phục những thiếu sót, thời gian tới, các ngành chức năng cần tăng cường nghiên cứu, ban hành tài liệu, phổ biến kỹ thuật chăm sóc đào cho người dân ở các huyện, thành phố; đồng thời nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm đồ lưu niệm mang thương hiệu hoa đào Xứ Lạng; điều chỉnh thời gian tổ chức cho phù hợp với tình hình thời tiết của từng năm để tiếp tục khẳng định thương hiệu hoa đào Xứ Lạng, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế du lịch ở vùng đất biên ải địa đầu Tổ quốc.
Ý kiến ()