ĐT Anh bị loại: Khi sự kiêu ngạo biến thành nỗi xấu hổ
Người Anh… như thường lệ lại phải dừng cuộc chơi sớm tại một giải đấu lớn. Và lần này, những lý do thất bại của họ cũng không có gì mới.
Trong phần đầu cuốn sách nổi tiếng Soccernomics xuất bản năm 2009, tác giả Simon Kuper và nhà kinh tế học Stefan Szymanski đã liệt kê ra 8 nguyên nhân khiến đội tuyển Anh luôn thất bại tại các giải đấu lớn, trong đó nguyên nhân đầu tiên đến từ chính bản thân họ: “Trước mỗi giải đấu, người Anh luôn tâm niệm chắc chắn rằng họ sẽ vô địch”.
Sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ vô tình gây áp lực lên các cầu thủ. |
Từ Sir Alf Ramsey (1970), đến Ron Greenwood (1982), Glen Hoodle 1998 hay Sven Goran Eriksson năm 2006, tất cả đều tuyên bố rất hùng hồn và tự tin về cơ hội giành cúp của các học trò của mình trước khi World Cup khởi tranh. Đó dường như đã trở thành một căn bệnh kinh niên mà hầu hết người Anh mắc phải, như huyền thoại một thời của Fulham Johhny Hayes từng nhận xét: “Người Anh nào cũng nghĩ mình được Chúa trao quyền để vô địch World Cup. Nước Anh là quê hương của bóng đá và luôn có đội tuyển mạnh nhất thế giới ở bất cứ lúc nào”.
Tại Euro 2012, mọi chuyện diễn ra hơi khác một chút, khi kỳ vọng được đặt lên Tam sư trước giải đấu là rất thấp, bởi đội tuyển có quá nhiều vấn đề cần giải quyết, trong khi chẳng mấy người tin vào tài cầm quân của Roy Hodgson. Nhưng chỉ sau 3 trận đấu tại vòng đấu bảng, mọi chuyện lại “đâu vào đó” và người Anh bắt đầu “nổ” to hơn bao giờ hết.
Nước Anh có một hệ thống truyền thông sẵn sàng “nổ” to mỗi khi có dịp. |
Trước trận tứ kết gặp Italia, hầu như tất cả các tờ báo và trang tin lớn ở xứ sở sương mù tập trung phân tích những lợi thế vô cùng lớn của Rooney và các đồng đội trước Azzurri, và điểm nhấn chính là kinh nghiệm từng làm việc tại Italia của Roy Hodgson. Chẳng mấy ai nhắc đến lịch sử đối đầu thua kém của tuyển Anh trước người Ý, hay như việc họ chưa bao giờ lọt vào đến bán kết một giải đấu lớn kể từ năm 1996.
Giới báo chí lá cải đã vậy, ngay cả các cầu thủ cũng trở nên tự tin thái quá một cách lạ lùng. Điềm đạm như Steven Gerrard cũng đăng đàn tuyên bố muốn đưa tuyển Anh đến với vinh quang, còn thủ môn Joe Hart khẳng định đã nắm được hết hướng sút của các cầu thủ Italia và sẽ cản phá thành công 100% nếu trận đấu phải bước vào loạt sút luân lưu. Hãy nhìn sang nước Ý, trước trận đấu thủ thành lão luyện như Gianluigi Buffon còn tỏ ra e ngại khi nhắc đến khả năng phải giải quyết thắng thua trên chấm 11m.
Joe Hart nghĩ mình đã biết hết cách sút penalty của các cầu thủ Italia. |
Tất cả sự tự tin ấy giờ đã biến thành nỗi xấu hổ ê chề, khi thầy trò Roy Hodgson thể hiện một màn trình diễn tệ hại trước Italia trên sân Kiev đêm qua, mà đỉnh điểm là cuộc đấu cân não trên chấm 11m. Vươn lên dẫn trước sau cú đá hỏng của Montolivo bên phía Italia, nhưng đội bóng áo trắng dường như đã bị “cóng” sau cú panenka hoàn hảo của Pirlo ở loạt sút thứ 3, để rồi sau đó lần lượt Ashley Young và Ashley Cole không thể thực hiện chính xác cú đá của mình.
Một thất bại cay đắng, nhưng nó giúp người Anh trở về đúng với thực tại của mình. Đội bóng của Roy Hodgson gặp quá nhiều vấn đề, từ lực lượng tới tinh thần thi đấu, và bản thân chiến lược gia 65 tuổi này không thể giải quyết hết được chỉ sau 5 tuần nhận chức. Trên đất Ba Lan và Ukraine, người Anh đã không còn kém may mắn (thậm chí là ngược lại), không còn bị trọng tài xử ép (hãy nhìn bàn thắng không được công nhận của Ukraine), nhưng vinh quang thực sự chắc chắn sẽ vẫn còn lẩn tránh họ chừng nào họ chưa thực tế về khả năng thực sự của mình.
2 năm nữa tại Brazil, họ sẽ lại tâm niệm mình sẽ lên ngôi vô địch thế giới?
Ý kiến ()