Đốt vàng mã: Tập tục cần sự lựa chọn
Tục đốt vàng mã ở nước ta nói riêng đã có từ lâu đời nhưng vài năm trở lại đây, việc này diễn biến theo chiều hướng ngày càng “rầm rộ” và có phần lãng phí. Vì vậy, có nhiều tiếng nói đề nghị bỏ tục đốt vàng mã.
Trong Công văn số 031/CV-HĐTS hướng dẫn tổ chức lễ hội năm 2018 do Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký ngày 12/2/2018, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức đề nghị “chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo…”. Đây là lời khuyến nghị nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Còn nói rộng ra là toàn xã hội.
Lời đề nghị nói trên hướng vào việc loại bỏ một tập tục lâu đời trong dân gian-tục đốt (hóa) vàng mã và lời đề nghị này nhất định phải có nguyên do.
Việc đốt vàng mã tại nước ta nói riêng đã có từ lâu đời và diễn ra ở nhiều hoạt động trong đời sống. Vào ngày lễ tết, tuần tiết, xây dựng nhà cửa, lễ cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, giải hạn ách, đi lễ chùa… người ta đốt vàng mã. Đó là chưa kể vàng mã còn được rải đường trong hành trình di chuyển của một đám tang từ nhà tới nơi mai táng người đã khuất…
Người đốt vàng mã thường cầu Trời, Phật, gia tiên, cha mẹ… phù hộ cho gia đình, bản thân được may mắn, hanh thông trong cuộc sống. Thông thường, cứ khi “có việc” là gia chủ sắm đồ cúng lễ, trong đồ lễ, ít nhất là có 1 lễ tiền vàng mã (tiền âm phủ). Còn nhiều gia đình ở thành phố, thị xã, thị trấn, số vàng mã nhiều hơn, “phong phú” hơn, nghĩa là ngoài tiền mã, gia chủ còn sắm sanh nhiều thứ vàng mã khác.
Rõ nhất là việc đốt vàng mã cho người đã khuất. Theo quan niệm dân gian “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình đã không tiếc tiền của mua sắm cho người thân đã khuất các loại vàng mã để đốt trong đám tang, trong ngày cúng giỗ… với mong muốn người thân đã khuất của mình có đời sống đủ đầy như dương thế!
Chính vì quan niệm như vậy nên đồ vàng mã đã “phát triển không giới hạn”, đến chỗ có cả nhà lầu, xe hơi, ti vi, điện thoại đời mới nhất, rồi áo quần, đồ trang sức… cùng một lượng lớn tiền âm phủ.
Vậy, ta nên nhận thức việc đốt vàng mã như thế nào để loại bỏ hay duy trì?
Theo các nhà nghiên cứu, cúng và đốt vàng mã là tập tục có nguồn gốc từ xa xưa của xã hội phong kiến Trung Quốc lan truyền sang nước ta. Đây chỉ là tập tục dân gian chứ không phải xuất phát từ lời răn dạy trong kinh sách của đạo giáo nào.
Ở nước ta, người dân phần lớn theo đạo Phật. Nhưng theo Hòa thượng Tố Liên (1903-1977), “Đức Phật Thích Ca không hề dạy đốt vàng mã để cúng gia tiên”. Còn trong dân gian cũng lưu truyền câu nói “Đức Phật chứng tâm, không chứng lễ”, không phải cứ có nhiều đồ lễ, trong đó có vàng mã, là được ngài phù hộ nhiều.
Về tâm linh là như vậy còn thực tế, “hậu quả” của đốt vàng mã cũng cho ta thấy nhiều điều.
Trước hết là sự lãng phí, bởi ta dùng tiền để mua đồ mã rồi đốt. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước “tiêu thụ” tới hơn 40.000 tấn vàng mã, tốn hàng trăm tỷ đồng.
Còn theo thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP. Hà Nội, một năm về trước, vào dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, việc thắp hương, đốt vàng mã là nguyên nhân thứ 3 gây cháy, với 8 vụ.
Đốt vàng mã còn gây ảnh hưởng tiêu cực cho môi trường. Đó là do nguyên liệu làm vàng mã không được kiểm soát nên khói bụi có thể gây hại cho sức khỏe con người. Bên cạnh đó, có người còn lợi dụng việc đốt vàng mã để trục lợi (“tư vấn” gia chủ mua nhiều loại đồ mã)…
Với vài lý do như vậy, chúng ta cần cân nhắc mặc dù tập tục đã ăn sâu vào đời sống!
Theo baochinhphu
Ý kiến ()