Đột phá xuyên Đại Tây Dương
Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận cắt giảm thuế đầu tiên trong hơn hai mươi năm qua. Tổng giá trị thỏa thuận được đánh giá là không lớn so với quy mô nền kinh tế của cả Mỹ và EU, song đây là tín hiệu tích cực, đánh dấu sự khởi đầu cho những thỏa thuận thương mại lớn hơn giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Trong tuyên bố chung hôm 21-8, Mỹ và EU thông báo đã đạt thỏa thuận cắt giảm thuế đối với một số sản phẩm xuất khẩu của nhau. Đây là động thái bất ngờ từ cả hai phía, bởi bất đồng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU tồn tại từ lâu. Theo thỏa thuận, EU sẽ miễn thuế trong 5 năm đối với tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ, mặt hàng trước đó bị EU áp thuế suất 12%. EU là một trong những thị trường xuất khẩu tôm hùm hàng đầu của Mỹ với kim ngạch từng đạt khoảng 111 triệu USD mỗi năm.
Đổi lại, Mỹ đồng ý giảm 50% mức thuế đối với số lượng mặt hàng có giá trị khoảng 160 triệu USD từ đối tác EU, trong đó có đồ thủy tinh, gốm, bật lửa dùng một lần và đồ ăn sẵn… Theo nhận định của Ủy ban châu Âu (EC), giá trị thương mại của thỏa thuận vừa đạt được với phía Mỹ là không lớn, song mang tính biểu tượng cao, bởi đây là lần đầu Mỹ và EU đạt tiến triển trong đàm phán cắt giảm thuế trong hơn hai mươi năm qua.
Với thỏa thuận cắt giảm thuế vừa đạt được, cả Mỹ và EU đều cho thấy thiện chí nhằm xoa dịu căng thẳng thương mại giữa hai bên, nhất là trong những năm gần đây. Bất đồng thương mại giữa Mỹ và EU nổ ra năm 2017, khi Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đã thực hiện một loạt chính sách bảo hộ thương mại, trong đó có việc áp thuế lên nhôm và thép nhập khẩu từ châu Âu. Căng thẳng hai bên “tăng nhiệt” sau khi tranh cãi hàng chục năm về trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay Airbus của EU và Boeing của Mỹ lên cao trào, khiến hai bên tiếp tục “trả đũa” lẫn nhau bằng việc tăng thuế. Bất đồng trong thương mại giữa Mỹ và EU một lần nữa leo thang, khi các nước châu Âu đánh thuế nhằm vào một loạt các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, như Google, Facebook, Amazon và Apple. Đáp trả, Mỹ thẳng tay áp thuế với lượng hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của EU…
Đại dịch Covid-19 tác động lên mọi mặt đời sống người dân trên thế giới, có thể là một phần lý do khiến Mỹ và các nước EU “tạm gác” tranh chấp thuế quan, tập trung giải quyết các vấn đề trong nước. Tổng thống Mỹ Đ.Trăm đối mặt thách thức chồng chất, khi số ca nhiễm và chết do Covid-19 tại Mỹ duy trì mức cao nhất thế giới trong thời gian dài. Tổng thống Đ.Trăm vừa nỗ lực chống dịch, vừa cố gắng bảo vệ thành tựu kinh tế đạt được trong những năm vừa qua, để tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà trắng. Các nước EU vật lộn với “khủng hoảng kép”, khi châu Âu cũng là một điểm nóng về Covid-19. Các nền kinh tế EU không thoát khỏi tác động tiêu cực của đại dịch, song không ít lần khối này bất đồng và không thống nhất được về các khoản hỗ trợ và vực dậy kinh tế.
Trong bối cảnh Mỹ và EU đều hứng chịu những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Oa-sinh-tơn và Brúc-xen đều hiểu rằng, căng thẳng thương mại chỉ khiến hai bên tổn thất nhiều hơn; thay vào đó, thiện chí sẵn sàng hợp tác sẽ góp phần giúp cả hai bên vượt qua khủng hoảng. Mỹ và EU hy vọng, gói cắt giảm thuế vừa đạt được hướng tới môi trường thương mại xuyên Đại Tây Dương tự do và công bằng hơn, khởi đầu cho một tiến trình tích cực trong tương lai.
Ý kiến ()