Đột phá về... họp
“Họp” chính là từ xuất hiện nhiều nhất trong lịch công tác của các cơ quan, đơn vị. Họp cũng là việc chiếm rất nhiều thời gian của cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị.
Điều đáng suy nghĩ, đáng bàn là có nhiều cuộc họp không cần thiết, khiến công việc bị đình trệ. Rất nhiều cuộc họp (hội nghị, hội thảo, tọa đàm…) mời hoặc triệu tập thành phần tham dự tràn lan, thậm chí cả những người chẳng hề liên quan nhưng vẫn mời cho “sang”, cho đông đúc, “hoành tráng”(!)
Không ít cán bộ đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải đi họp suốt, có ngày 3-4 cuộc, vì cấp trên yêu cầu cấp trưởng phải dự, không được cử cấp phó đi thay.
Tình trạng ngồi họp mà lo ngay ngáy những công việc cần làm gấp, thậm chí tự cảm thấy mình là người thừa trong cuộc họp-có lẽ cán bộ, công chức nào cũng nhiều lần trải qua và không khỏi ngao ngán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến đến các tỉnh, thành phố/ Ảnh minh họa/TTXVN |
Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25-12-2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có yêu cầu giảm hao phí trong sử dụng lao động, thời gian lao động, thực hiện nghiêm quy định về tổ chức hội nghị, lễ kỷ niệm, tiếp khách… bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không lãng phí, phô trương.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, ngày 27-11-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm với dân, với nước để “không cần phải họp nhiều mà công việc vẫn chạy”.
Lâu nay, ở nước ta đã có rất nhiều ý kiến, bài viết nêu kinh nghiệm, biện pháp để giảm họp, nhất là khắc phục tình trạng tổ chức những cuộc họp vô bổ, triệu tập thành phần dự họp không cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện được hay không thì chỉ người đứng đầu các tổ chức mới quyết định được việc này.
Bởi thế, việc cần làm ngay là phải phát huy đúng vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu, người được giao phụ trách. Chỉ những vấn đề theo quy định phải lấy ý kiến tập thể thì mới họp, còn việc trong thẩm quyền thì phải dám chịu trách nhiệm, tránh việc gì cũng họp bàn (nhiều trường hợp chỉ làm hình thức). Cùng với đó, kiên quyết cắt giảm chi phí hội nghị thì sẽ bớt thành phần dự họp và những cuộc họp không thiết thực.
Đã đến lúc các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quyết tâm đổi mới phương pháp họp hành, theo hướng “họp ít mà công việc vẫn chạy”. Cần bỏ ngay tư tưởng coi việc chính của cán bộ, công chức là họp!
Giảm họp cần được xác định là nội dung đột phá trong cải cách hành chính năm 2024 này.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dot-pha-ve-hop-759014
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()