Ðột phá từ nông nghiệp công nghệ cao
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), song đánh giá một cách thực tế, khâu yếu nhất của Thủ đô vẫn là tiêu chí phát triển sản xuất. UBND thành phố Hà Nội đã lựa chọn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là "chìa khóa" trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô nhằm tạo ra đột phá.
Những mô hình điểm
Không phải đến bây giờ, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) mới được Hà Nội tính đến mà từ nhiều năm trước, định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, bền vững đã được vạch ra. Tuy nhiên, phần lớn nông dân vẫn sản xuất theo hướng tự phát, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp và luôn gặp rủi ro khi tiêu thụ sản phẩm. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vào tháng 6-2013, việc ứng dụng CNC vào sản xuất đã được lãnh đạo thành phố rốt ráo chỉ đạo triển khai. Dù chưa có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô lớn như các địa phương khác như Lâm Ðồng, TP Hồ Chí Minh, song thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp mang hơi hướng CNC đã bước đầu xuất hiện tại một số huyện, thị xã, trở thành những điểm sáng của nông thôn Thủ đô.
Về huyện Phúc Thọ (Hà Nội) những ngày đầu năm mới, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của mảnh đất thuần nông. Bên cạnh những ruộng ngô, ruộng rau xanh mướt thẳng cánh cò bay là những nhà giàn, nhà lưới bằng khung thép kiên cố trồng rau, hoa trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao. Trong khu nhà lưới trồng năm sào hoa của gia đình, dù luôn tất bật với việc chăm sóc những luống hoa ly, loa kèn phục vụ cho Tết Nguyên đán Ất Mùi, anh Kiều Bình Thanh, cụm 1, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ vẫn luôn nở nụ cười phấn khởi vì mình đã chọn đúng hướng đi. Nhận thấy nhu cầu hoa cao cấp và hoa trái vụ của thị trường Hà Nội lớn, được sự hỗ trợ của UBND huyện Phúc Thọ, năm 2014 anh Thanh đầu tư 400 triệu đồng làm nhà lưới với đầy đủ hệ thống cách nhiệt và dẫn nước tự động để trồng hoa. Nhờ đó, thay vì chỉ trồng được hoa loa kèn vào tháng 4 như thông thường, anh Thanh còn trồng được cả trong điều kiện lạnh giá của tháng 12, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/sào/lứa. Chỉ sau gần một năm canh tác, anh Thanh đã thu lãi gần 200 triệu đồng từ hoa cúc và loa kèn trái vụ. Anh hy vọng, còn 6.000 chậu hoa ly sắp tới sẽ xuất xưởng phục vụ cho thị trường Tết Ất Mùi, mang lại nguồn lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Không chỉ Phúc Thọ, các mô hình sản xuất ứng dụng CNC ở Hà Nội đã xuất hiện ngày một nhiều như trồng hoa lan trong nhà lưới ở các huyện Thạch Thất, Ðan Phượng, Chương Mỹ. Trong chăn nuôi có mô hình ứng dụng tinh phân ly (phân biệt giới tính) trong chăn nuôi bò sữa tại Ba Vì, Quốc Oai, Ðông Anh, Gia Lâm giúp cho đàn bò sữa có tỷ lệ con cái cao hơn. Có thể nói, việc ứng dụng CNC được vận dụng khá linh hoạt tùy từng điều kiện đặc thù của địa phương. Như tại huyện Phú Xuyên, với đặc thù vùng chiêm trũng, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp được huyện xác định là một trong hai khâu đột phá trong xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ðình Chiêu cho biết, huyện có chính sách hỗ trợ 50% số tiền mua máy cấy, máy gieo hạt cho các HTX, hộ nông dân. Ðây cũng là động lực giúp cho Phú Xuyên trở thành một trong những huyện đi đầu của thành phố về ứng dụng cơ giới hóa. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có hơn 140 máy cấy, 455 máy làm đất và hơn 500 máy tuốt lúa. Diện tích lúa sản xuất hàng hóa chất lượng cao đạt hơn 5.200 ha.
Hỗ trợ mạnh để tạo đột phá
Triển khai xây dựng NTM, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011 – 2015 với chỉ tiêu đến năm 2015, thành phố có 40% số xã đạt chuẩn NTM. Cho đến thời điểm này, theo đánh giá, ngoài 38 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2013, Hà Nội đã có thêm 72 xã được chấm điểm đạt chuẩn NTM. Với kết quả này, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt, các tiêu chí về hạ tầng cơ sở, Hà Nội có điều kiện để thực hiện. Tuy nhiên, điểm khó nhất trong thực hiện chương trình NTM là tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Hiện nay phần lớn nông dân còn sản xuất tự phát, chưa theo hợp đồng nên cứ thấy lãi là “trăm hoa đua nở” dẫn tới tình trạng “được mùa mất giá”. “Năng suất, chất lượng nông sản còn thấp là một điểm yếu trong cạnh tranh, nhất là bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay”, ông Việt cho biết.
Từ thực tế đó, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình ứng dụng CNC vào sản xuất. Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ứng dụng CNC vào sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng nhằm triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô. So với các địa phương, Hà Nội có lợi thế rất lớn về thị trường tiêu thụ nông sản với hơn 9 triệu dân cùng nhiều nông sản đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn Quốc Oai, sữa Ba Vì, vịt cỏ Vân Ðình… Bởi thế, việc ứng dụng CNC nhằm phát huy những lợi thế này được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho người nông dân. Ngoài sản xuất, ứng dụng CNC còn được triển khai mạnh mẽ trong khâu chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị nông sản. Ðến nay, Hà Nội đã xây dựng được 18 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cung cấp ra thị trường hơn 33 tấn thịt an toàn mỗi ngày.
Thuận lợi của Hà Nội khi triển khai ứng dụng CNC là chương trình dồn điền đổi thửa cơ bản hoàn thành. Tính đến nay, toàn thành phố đã dồn được gần 75.000 ha, đạt 98,1% kế hoạch. Sau dồn đổi, mỗi hộ chỉ còn một đến hai thửa ruộng, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, ứng dụng CNC là một hướng đi mới, lại đòi hỏi nguồn vốn đầu tư không hề nhỏ, lên tới hàng tỷ đồng/ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC giai đoạn 2015 – 2020. Song song với đó, Hà Nội cũng đã quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Ðông) diện tích 150 ha bao gồm cả diện tích xây dựng các mô hình mẫu và cho doanh nghiệp thuê để sản xuất. Ðặc biệt, theo dự kiến khoảng tháng 6-2015, các chính sách thúc đẩy nông nghiệp CNC của Hà Nội sẽ được thành phố phê duyệt. Ðây sẽ là tiền đề quan trọng để tạo ra những bước đi đột phá cho ngành nông nghiệp, xây dựng NTM Thủ đô trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Năm 2014, giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên một ha đất nông nghiệp của Hà Nội đạt 231 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn 2,89%. Năm 2015, thành phố đặt ra mục tiêu phấn đấu có thêm 55 xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()