Đột phá trong thu hút FDI vào Hà Nội
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế FDI của TP Hà Nội đến hết năm 2015 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với 3.515 dự án FDI còn hiệu lực (chiếm 34,8% tổng số dự án FDI còn hiệu lực trong cả nước); Tổng vốn đăng ký đạt 26,761 tỷ USD (chiếm hơn 26%); Tổng vốn thực hiện khoảng 12,589 tỷ USD (chiếm khoảng 43%).
|
|
Riêng năm 2015, Hà Nội chiếm 16,9% về số dự án và 10,07% về vốn đầu tư đăng ký cả nước, sau TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa – Vũng Tàu, tăng lên 3 bậc so với năm 2014; Khu vực FDI trên địa bàn nộp ngân sách thông qua các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, tài nguyên và giá trị gia tăng đạt 880 triệu USD, chiếm 13,7% tổng thu ngân sách TP và tăng 8,3% so với năm 2014; chiếm 21% tổng gia trị nhập khẩu và tăng 83,5% so với năm 2014. Bước sang năm 2016, lần đầu tiên kể từ năm 2006 đến nay, Hà Nội đã trở lại vị trí đứng đầu cả nước trong thu hút FDI quý I và đứng thứ hai cả nước trong ba quý đầu năm 2016, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao. Cụ thể, trong chín tháng đầu năm 2016, trong số 54 tỉnh, thành phố có dự án FDI mới, Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 37 dự án cấp mới và 28 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,74 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,97 tỷ USD, chiếm 12%. Tính đến ngày 20-9-2016, cả nước có 1.820 dự án mới, với tổng vốn đăng ký là 11,165 tỷ USD, tăng 1,1% so cùng kỳ năm 2015; có 851 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,265 tỷ USD, bằng 86,1% so cùng kỳ năm 2015. Trong số 19 ngành lĩnh vực, thì công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với chiếm 73,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 34 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ ba với 649 triệu USD, chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư. Uớc tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2015. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ có 33 khu công nghiệp, khu công nghệ cao (gọi tắt là KCN, KCNC) được thành lập và nằm trong danh mục quy hoạch, với tổng diện tích khoảng 6.693 ha. Đến nay, Hà Nội đã và đang phát triển 19 KCN, KCNC với tổng diện tích gần 4121,2 ha. Trong đó có tám KCN được thành lập và đi vào hoạt động với diện tích quy hoạch gần 1231 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 952,5 ha, đã lấp đầy 87% (Bắc Thăng Long, Nam Thăng Long, Sài Đồng B, Nội Bài, Thạch Thất – Quốc Oai, Quang Minh, Hà Nội – Đài Tư, Phú Nghĩa). Ngoài ra, có bảy KCN đã có quyết định thành lập đang trong giai đoạn triển khai chuẩn bị đầu tư và xây dựng với tổng diện tích 1140,7 ha (KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công viên CNTT Hà Nội, KCN sạch Sóc Sơn và KCN Quang Minh II, KCNC sinh học Hà Nội, KCN Bắc Thường Tín, KCN Phụng Hiệp). Đặc biệt, Hà Nội đã quy hoạch năm KCN theo hướng tập trung cho sản xuất chuyên ngành sâu nhằm thu hút công nghệ cao vào hoạt động, xây dựng nên các khu kinh tế – khoa học kỹ thuật chất lượng cao và hiện đại chuyên nghiên cứu, giáo dục, phát triển, ứng dụng, sản xuất thực nghiệm và chuyển giao khoa học – kỹ thuật tiên tiến của thế giới vào Việt Nam. Lũy kế đến hết năm 2015, các KCN và chế xuất Hà Nội đã thu hút được 607 dự án đầu tư, trong đó có 315 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký 4,919 tỷ USD; 291 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 11.649 tỷ đồng. Năm 2015, các KCN của Hà Nội thu hút được 14 dự án mới với mức vốn đăng ký 25,2 triệu USD; 15 dự án điều chỉnh tăng vốn, tổng cộng 58 triệu USD. Tổng vốn thu hút đầu tư năm 2015 đạt 81,6 triệu USD quy đổi (đạt 72,1% so với kế hoạch dự kiến và cao hơn 46% của năm 2014). Trong đó, có 10 dự án đang đầu tư, bốn dự án chưa giải phóng xong mặt bằng, 11 dự án chưa triển khai, 67 dự án chưa hoạt động. Tổng cộng, có 92 dự án chưa đi vào hoạt động chính thức. KCN Thạch thất (Quốc Oai) là khu có số doanh nghiệp chưa hoạt động lớn nhất, với 19 doanh nghiệp của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào các KCN Hà Nội. Tính đến hết năm 2015, cơ cấu ngành đầu tư của các dự án FDI vào các KCN Hà Nội được chia ra: Công nghiệp điện tử 35%, cơ khí chế tạo 20%, chế tạo khuôn mẫu 10%. Các ngành công nghiệp khác (dược phẩm, chế biến nông sản, may mặc, công nghiệp in…) chiếm 35%. Nhiều dự án FDI trong một số KCN có quy mô vốn lớn từ 100 triệu USD đến hơn 300 triệu USD sử dụng công nghệ cao của các hãng: Canon, Panasonic, Yamaha, Meiko, Young fast… Tuy nhiên, nhiều KCN như: KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc… việc thu hút đầu tư đều khó khăn. Theo khảo sát do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, các nhà đầu tư chọn Hà Nội chủ yếu vì cơ hội kinh doanh (chiếm đến 65%). Các yếu tố còn lại đều không cao, cơ sở hạ tầng 29%, chất lượng nguồn lao động 19%. Đáng chú ý, tính hấp dẫn từ chất lượng điều hành tốt lại chỉ chiếm 3%. Các doanh nghiệp FDI của các KCN trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy và làm tăng giá trị xuất khẩu, mở rộng nguồn thu ngân sách Thành phố (chiếm từ 10,5 – 10,6% tổng thu NSNN Thành phố từ năm 2005 -2012 và tăng lên tới 13,2% giai đoạn 2013-2015). Năm 2015, doanh thu của các doanh nghiệp FDI trong các KCN đạt 6,012 tỷ USD, tăng 8,7% so năm 2014 và đạt 98,6% kế hoạch đề ra nhưng nộp NSNN vẫn đạt 3005 tỷ đồng tăng 18% so năm 2014, đạt 101,2% so kế hoạch đề ra và chiếm 13,7% tổng thu ngân sách Thành phố. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong KCN Hà Nội đạt 3,399 tỷ USD, tăng 7,7% so năm 2014, đạt 101,4% so kế hoạch đầu năm, chiếm 29,94% kim ngạch xuất khẩu của toàn Thành phố Hà Nội. Đồng thời, chiếm 13,5% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn Thành phố đạt 3,456 tỷ USD, tăng 5,8% so năm 2014. Đặc biệt, khối doanh nghiệp FDI trong KCN chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất trong ba thành phần kinh tế (kinh tế nhà nước chiếm 31,3%, kinh tế ngoài nhà nước chiếm 20%) và duy trì mức ổn định tăng trưởng. Các doanh nghiệp FDI trong KCN với lợi thế về thiết bị và kỹ thuật khá hiện đại, có thị trường ổn định lại được khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng nên có sự tăng trưởng nhanh so với các khối công nghiệp khác và góp phần tăng nhanh số lượng, chất lượng các sản phẩm xuất khẩu của Thành phố, trong đó đa số là sản phẩm mới, công nghệ, kỹ thuật cao. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hệ thống điện xe ôtô, linh kiện máy ảnh, phần mềm, ti vi mầu màn hình phẳng, xe máy, linh kiện kỹ thuật số… Các doanh nghiệp FDI cơ bản tự bảo đảm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm của mình, không cạnh tranh với các sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam. Đến 2015, có 15 doanh nghiệp FDI trong số 38 doanh nghiệp công nghiệp Hà Nội có quy mô doanh thu hơn nghìn tỷ đồng (Canon, Yamaha…). Tỷ trọng các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang ngày càng tăng, đặc biệt một số dự án lớn sản xuất hàng xuất khẩu đang tích cực giải ngân, mở rộng sản xuất (SamSung, Nokia, LG,…), khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu và phát triển mạnh thị trường tiêu thụ trong các năm tới. Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá ấn tượng về thu hút FDI vào Hà Nội là UBND Thành phố đã cấp phép cho dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung Electronics xây dựng một Trung tâm R&D mới tại quận Hoàng Mai có tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Dự án này sẽ thay thế trung tâm R&D chuyên phần mềm điện thoại và máy tính bảng hiện tại (thành lập từ năm 2012 và đang chiếm tới 10% doanh thu toàn cầu của cả tập đoàn trong lĩnh vực trường của Samsung) mà Samsung Electronics phải thuê địa điểm tại tòa nhà PVI Tower nằm trên quận Cầu Giấy, nơi hơn 1.600 kỹ sư và nhân viên đang làm việc. Samsung Electronics cũng sẽ tăng số nhân viên Việt Nam làm việc trong lĩnh vực R&D từ 1.600 người lên 1.800 người, biến Hà Nội thành trung tâm R&D lớn nhất của mình tại khu vực Đông – Nam Á… |
Theo Nhandan
Ý kiến ()