Đột phá khoa học lớn nhất 2010
Máy lượng tử đầu tiên trên thế giới – thiết bị vận hành theo các quy luật thống trị thế giới bên trong nguyên tử – đã được tạp chí Science bình chọn là đột phá khoa học lớn nhất năm 2010.
Tờ Daily Mail đưa tin, tạp chí Science – một trong những tờ báo về nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới mới đây đã công bố danh sách những thành tựu khoa học quan trọng nhất trong năm 2010, bao gồm cả các tiến bộ trong phòng chống HIV, bộ gen nhân tạo, sơ đồ hóa mã gen của người Neanderthal, … Tuy nhiên, phát minh về máy lượng tử đầu tiên trên thế giới đã được bình chọn là đột phá khoa học lớn nhất của năm.
Là sản phẩm sáng chế của các nhà khoa học Mỹ tại Đại học California, Santa Barbara, máy lượng tử bao gồm một mái chèo kim loại nhỏ, vô hình với mắt thường và nhảy múa theo một nhịp điệu lượng tử.
Sau khi làm mát mái chèo kim loại tới trạng thái năng lượng thấp nhất có thể, các nhà nghiên cứu đã tìm cách đưa nó vào một trạng thái hoàn toàn là cơ học lượng tử của chuyển động. Điều này đồng nghĩa với việc, mái chèo kim loại chuyển động theo những cách thức kỳ lạ, chưa từng thấy trong thế giới “vĩ mô” của cơ học cổ điển. Ví dụ như, thiết bị có thể ở hai trạng thái cùng một lúc – được gọi là “sự chồng lên nhau” – để vừa dao động một chút vừa lúc lắc rất nhiều trong cùng một thời điểm.
Theo ban biên tập tạp chí Science, thành tựu trên của nhóm nghiên cứu do hai chuyên gia vật lý Andrew Cleland và John Martinis đứng đầu, xứng đáng là đột phá khoa học ấn tượng nhất năm 2010 vì “lần đầu tiên các nhà khoa học đã biểu thị được những hiệu ứng lượng tử trong vận động của một vật thể do con người tạo ra”.
“Xét về mặt khái niệm, điều này thật tuyệt vời vì nó mở rộng cơ học lượng tử sang một địa hạt hoàn toàn mới. Xét về mặt thực hành, nó mở ra một loạt khả năng khác nhau, từ các thí nghiệm mới, tạo sự kiểm soát lượng tử đối với ánh sáng, dòng điện và chuyển động, tới những thí nghiệm về các giới hạn của cơ học lượng tử và ý thức của chúng ta về thực tại trong tương lai”.
Ý kiến ()