Nhật Bản- Ấn Độ tăng cường hợp tác hải quân Nhật Bản - Ấn Độ đang có những hợp tác mới trong bối cảnh trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của một số nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.Trong nhiều lĩnh vực, hợp tác an ninh hàng hải của hải quân hai nước là điểm nhấn, được xem là quan trọng hàng đầu.Triển khai chiến lượcHiện nay, các mối quan hệ song phương tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng và phát triển, điển hình là quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng như một số quốc gia khác. Ngay từ năm 2006, Nhật Bản và Ấn Độ đã công bố “chiến lược hợp tác toàn cầu”. Từ đó hai bên đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong “chiến lược biển”, kinh tế, quân sự và được xem là điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác và bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình trong khu vực.Trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây,...
Nhật Bản- Ấn Độ tăng cường hợp tác hải quân |
Nhật Bản – Ấn Độ đang có những hợp tác mới trong bối cảnh trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của một số nước lớn tại châu Á – Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.Trong nhiều lĩnh vực, hợp tác an ninh hàng hải của hải quân hai nước là điểm nhấn, được xem là quan trọng hàng đầu.
Triển khai chiến lược
Hiện nay, các mối quan hệ song phương tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng và phát triển, điển hình là quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Nhật Bản cũng như một số quốc gia khác. Ngay từ năm 2006, Nhật Bản và Ấn Độ đã công bố “chiến lược hợp tác toàn cầu”. Từ đó hai bên đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong “chiến lược biển”, kinh tế, quân sự và được xem là điều kiện thuận lợi để hai bên tăng cường hợp tác và bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình trong khu vực.
Trong chuyến thăm Nhật Bản gần đây, ông A.K Antony – Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã khẳng định, hai nước sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung của hải quân và không quân vào năm 2012.Đây là một phần của thoả thuận giữa Nhật – Ấn nhằm tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải, đồng thời duy trì các tuyến đường biển trọng yếu để tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch thương mại giữa hai nước và các nước trong khu vực.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng cho rằng, có một số nước lớn là nhân tố chính gây ra những tranh chấp trên biển và hẳn sẽ không hài lòng với những tiến triển tích cực trong quan hệ hợp tác an ninh hàng hải Ấn – Nhật ngày một sâu sắc hơn trong tương lai.
Nhận định về việc Nhật – Ấn gia tăng các hoạt động hợp tác an ninh hàng hải, Lu Yaodong – nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản Và Ấn Độ đã tăng cường hợp tác toàn diện trong khu vực, quan hệ hợp tác đó đã chuyển từ song phương sang đa phương; chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Noda tới Ấn Độ nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ song phương và nằm trong chiến lược tăng cường các liên minh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cụ thể, Nhật Bản sẵn sàng giúp đỡ Ấn Độ về xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp đó là Hội nghị Thượng đỉnh Nhật – Ấn diễn ra tại Tokyo. Đây là cơ hội để Nhật Bản thực hiện chiến lược “Vòng cung tự do và thịnh vượng” mà theo Theo Lu Yaodong, là một trụ cột của ngoại giao Nhật Bản được cựu Ngoại truởng Nhật Bản Taro Aso đưa ra bắt đầu từ năm 2007.
Điều quan trọng hơn là, Nhật Bản đang tìm kiếm sự đồng thuận của Mỹ (nước phải đối mặt với nhiều khó khăn của nền kinh tế đang chuyển hướng chiến lược phải dựa nhiều hơn vào các đồng minh ở châu Á để tăng cường sự hiện diện tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương sau khi rút quân khỏi Iraq và dần rút khỏi Afganistan) trước khi Nhật Bản thông báo việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Nhật – Mỹ đang phối hợp với nhau để điều chỉnh các chiến lược tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điều này sẽ có những tác động đáng kể tới tình hình an ninh trong khu vực, nhất là khi Nhật Bản tranh thủ việc nới lỏng này để thúc đẩy quan hệ với các nước ở khu vực Đông Nam Á.
Mở rộng ảnh hưởng
Ông Stephen P. Cohen, nhà phân tích về Ấn Độ cho rằng, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda mở ra một cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh về một châu Á ổn định bằng cách bổ sung thêm những nội dung trong chiến lược hợp tác thúc đẩy phát triển nhanh quan hệ hai nước nhằm đối phó với những thách thức mới có thể xảy ra trong khu vực. Cụ thể là Nhật Bản – Ấn Độ cần phải xây dựng quan hệ hợp tác giữa hải quân hai nước. Trong bối cảnh hiện tại, Nhật Bản và Ấn Độ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưỏng tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương để tranh giành ảnh hưởng với các nước khác tại khu vực này.
Chuyên gia này còn nhận định, châu Âu không còn là trung tâm của nền kinh tế thế giới do phải giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang gây ra những bất đồng giữa các thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU). Trung tâm của kinh tế thế giới đang chuyển dịch và phát triển mạnh tại khu vực châu Á, nhất là khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ấn Độ và Nhật Bản đều là những nước có hoạt động thương mại quốc tế phụ thuộc rất lớn vào các tuyến đường biển. Tuy nhiên, khu vực này đang bị ràng buộc bởi những vấn đề liên quan đến lợi ích biển giữa các nước. Nhật Bản và Ấn Độ đã đồng ý bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung của hải quân và đều muốn nhấn mạnh tới việc tìm kiếm những giải pháp nhằm bảo vệ lợi ích của mình trên các tuyến đường biển.
Brahma Chellaney, giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách ở New Delhi đánh giá, mối quan hệ song phương phát triển nhanh nhất ở châu Á chính là giữa Ấn Độ – Nhật Bản. Ấn Độ đang bắt đầu nổi lên như là một điểm đến quan trọng ở châu Á và Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài số một vào Ấn Độ.
Ấn Độ đã đồng ý nghiên cứu phát triển chung kim loại đất hiếm, đây là vật liệu rất quan trọng đối với các hoạt động liên quan đến công nghệ năng lượng xanh và các ứng dụng trong lĩnh vực quân sự. Tính tới thời điểm này, những cam kết chính thức giữa Ấn Độ – Nhật Bản đều là vượt dự kiến, chuyến thăm của ông Noda tới Ấn Độ là một phần của những cam kết song phương về tổ chức các cuộc hội nghị thượng đỉnh hàng năm giữa Thủ tướng hai nước.
Động thái Nhật – Ấn tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác giữa lực lượng hải quân hai nước để thúc đẩy an ninh hàng hải, thực hiện thành công chiến lược “Vòng cung tự do và thịnh vượng” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ còn tác động đa chiều trong tương quan với các chuyển động ngoại giao khác trong khu vực.
Theo Nhandan
Ý kiến ()