Đột phá hạ tầng giao thông – ưu tiên hàng đầu của Chính phủ
Ngay sau khi kiện toàn vào tháng 4/2021, Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động với một trong những trọng tâm là “tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại”, theo đúng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Một năm qua, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới khắp công trường từ Bắc vào Nam…, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng lớn. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là một nội dung nổi bật, nằm ở hàng đầu trong cuốn “sổ tay điều hành” của Chính phủ sau khi được kiện toàn.
Vị trí hàng đầu trong “sổ tay điều hành” của Chính phủ
Bộ Giao thông vận tải là một trong những bộ đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc sau khi ông nhậm chức để nắm bức tranh chung của ngành và giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng như định hướng nhiệm vụ thời gian tới.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng đã quán triệt nguyên tắc “ba không”: Không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm. Chức năng, nhiệm vụ và công việc của ngành là rất nặng nề, khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ, lãnh đạo cần quán triệt tinh thần “nghĩ phải chín, phải kỹ; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải cao; nỗ lực phải lớn; hành động phải quyết liệt, hiệu quả; làm có trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào thì dứt điểm việc đó”.
Mặt khác, Thủ tướng cũng nhiều lần chia sẻ, nhắc nhở lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải về yêu cầu đột phá tư duy để có thể hoàn thành mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là trong huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, thông qua các hình thức hợp tác công tư.
Trong cơ sở hạ tầng, thì hạ tầng giao thông có vai trò then chốt bởi đường đi đến đâu thì người dân, địa phương nơi đó phát triển đến đấy, “có đại lộ là có đại phú”. Việc xây dựng các dự án giao thông cần có tầm nhìn chiến lược, tránh chưa làm đường đã đếm xe, chưa làm sân bay đã đếm khách. Thực tiễn nhiều dự án sau khi hoàn thành có lưu lượng xe và khách vượt xa dự tính ban đầu, bởi các dự án mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế-xã hội khu vực có dự án và nhu cầu giao thông vận tải.
Ưu tiên đặc biệt với các tuyến cao tốc
Thủ tướng từng chia sẻ, ông rất trăn trở khi trong 20 năm qua, chúng ta mới chỉ triển khai được trên 1.000 km cao tốc, mà trong nhiệm kỳ này phải hoàn thành gần 2.000 km cao tốc. Nếu không quyết tâm, không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, đôn đốc, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Đây là lý do lãnh đạo Chính phủ không quản ngại khó khăn, thường xuyên xuống tận các công trường. Những ngày Tết Nguyên đán Nhân Dần vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác Chính phủ có chuyến công tác đặc biệt “xuyên Việt, xuyên Tết” kéo dài 3 ngày, trên lộ trình dài gần 1.600 km, băng qua những cung đường đang trong quá trình thi công, chưa kể các chặng bay suốt dọc chiều dài đất nước.
Trên công trường các công trình trọng điểm ngành giao thông, cụ thể là tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông và sân bay Long Thành, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ từng nút thắt và khích lệ lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư dự án, các nhà thầu với yêu cầu chung đẩy nhanh tiến độ ít nhất 3 tháng.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Triển khai công việc phải thực chất, nghiêm túc, hiệu quả chứ không phải khi lãnh đạo đến kiểm tra thì mới huy động máy móc, thiết bị hoành tráng đến một chỗ này, dừng công việc lại, lãng phí thời gian”. Việc đi kiểm tra phải thực chất, ra vấn đề, không phải “cưỡi ngựa xem hoa”, “vỗ tay hoan hô” rồi đi, rồi mọi việc lại đâu vào đấy.
Làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị sau những chuyến kiểm tra thực địa, Thủ tướng yêu cầu, các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, nếu tuyến đường qua sông thì bắc cầu, qua núi thì đào hầm và qua đồng ruộng thì đắp đổ đất; không bám theo các khu dân cư để tránh chi phí giải phóng mặt bằng lớn, tạo ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng liên tục có các cuộc họp với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, các bộ ngành liên quan để thúc đẩy triển khai các dự án đường vành đai tại hai thành phố này. Đây là các dự án hạ tầng rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, đô thị cho các địa phương trong vùng Thủ đô và vùng Đông Nam Bộ. Hằng tuần, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đều tổ chức các cuộc họp để đôn đốc, đẩy mạnh các dự án lớn như dự án sân bay long thành, đường bộ cao tốc phía Đông, các dự án trọng điểm khác…Khó đâu gỡ đó, chỉ rõ các vướng mắc và giải quyết dứt điểm để đưa các dự án vào hoạt động đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và xây dựng trình các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đạt mục tiêu mà các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.
Nhiều vấn đề vướng mắc đã có cơ chế, phương thức hoặc đường hướng để giải quyết, như vấn đề chỉ định thầu với một số gói thầu, vấn đề mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước cho các dự án…
Thủ tướng chốt lại: Phải quyết tâm hoàn thành các dự án trong nhiệm kỳ này với cam kết mạnh mẽ từ các địa phương, nếu đủ vốn mà không hoàn thành là có lỗi với nhân dân, với đất nước.
Lặn lội trên từng công trường dự án
Phụ trách lĩnh vực được phân công, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã lặn lội trên các công trường dự án, trực tiếp 4 lần đi kiểm tra thực địa dự án cao tốc Bắc-Nam trong vòng 7 tháng. Hằng tuần, hằng tháng, Phó Thủ tướng chủ trì giao ban để bám sát và thúc đẩy tiến độ, giải quyết ngay lập tức khó khăn hay vướng mắc.
Với sự rốt ráo như vậy, hiếm có công trình nào mà trong vòng 3 tháng, Chính phủ ban hành 2 nghị quyết riêng biệt, để xử lý vấn đề thiếu vật liệu đắp nền.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Kiên quyết không lùi tiến độ tổng thể, cũng như tiến độ của từng dự án.
Theo tổng hợp, cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng hơn 1.900 km cao tốc, với nguồn lực khoảng trên 500.000 tỷ đồng. Chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như vậy cho các dự án cao tốc – dự kiến hoàn thành trong các năm 2025-2026. Việc triển khai các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, một số khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường, biến động giá vật liệu, thời tiết bất lợi, giải phóng mặt bằng… đã được tích cực tháo gỡ trong thời gian qua.
Lửa nhiệt huyết của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa tới guồng máy, tạo biến chuyển mạnh mẽ. Các dự án chậm đã dần lấy lại tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản xong. Nguồn vật liệu đắp nền cơ bản đáp ứng yêu cầu. Phấn đấu trong năm nay, hoàn thành 361 km cao tốc với 4 dự án phải khánh thành.
Tạo động lực phát triển mới cho các vùng, các địa phương
Sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng tới hạ tầng giao thông luôn được đặt trong tổng thể quyết tâm thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, các vùng và cả nước.
Tại khu vực phía nam, một điều được Thủ tướng hết sức trăn trở là kết nối giao thông giữa Tây Nguyên với khu vực Đông Nam Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, để làm sao khai phá được hết những tiềm năng của các khu vực chiến lược này. Do đó, phải nghiên cứu triển khai 3 tuyến cao tốc kết nối từ Đắk Nông xuống Đông Nam Bộ, từ Đắk Lắk xuống Khánh Hòa và từ Kon Tum xuống Quảng Nam, mở đường thuận tiện tới các cảng nước biển lớn trong vùng…
Tại công trường cầu Mỹ Thuận 2 trong những ngày cuối kỳ nghỉ Tết, chứng kiến bà con miền Tây vẫn phải chịu cảnh kẹt xe trên đường trở lại miền Đông Nam Bộ, ông đã xuống hiện trường để thăm hỏi, động viên và đốc thúc các đơn vị thi công, mong sớm có cây cầu bắc qua sông Tiền, giúp bà con bớt vất vả, nối gần hơn miền Tây và miền Đông, mang lại động lực phát triển mới cho cả khu vực.
Với các địa phương, đơn cử như tại Hưng Yên, ông về dự lễ khởi công các tuyến đường kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Đây là những công trình mà trước đó ông đã chia sẻ về tầm nhìn với lãnh đạo tỉnh, rằng nếu làm được, Hưng Yên sẽ tự lực phát triển, làm “sớm ngày nào thì Hưng Yên phát triển ngày đó, nhân dân được hưởng lợi ngày đó”.
Tại Tuyên Quang, trên cơ sở phân tích những khó khăn rất lớn do tỉnh chỉ có đường bộ, ông yêu cầu tỉnh cần dồn lực cho hạ tầng chiến lược, trước mắt là tuyến cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang và tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang.
Gần đây nhất, khi Đồng Nai và Bình Phước còn có ý kiến khác nhau về việc xây dựng cầu Mã Đà, Thủ tướng đã tới con suối nằm giáp ranh giữa hai tỉnh này để khảo sát, tìm ra phương án tối ưu nhất.
Phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải
Không chỉ với các tuyến cao tốc, tinh thần quyết liệt “biến không thể thành có thể” của lãnh đạo Chính phủ còn thể hiện đối với các công trình trọng điểm khác.
Kiểm tra thực địa dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, công trình có số vốn gần 5 tỷ USD, Thủ tướng nêu rõ, “phải bám sát công trường, ăn ngủ với công trường, yêu dự án này như con cái thì mới ra công trình được”. Ông yêu cầu, chậm nhất phải xong mặt bằng trong tháng 9/2022, ai làm được thì quyết tâm, ra sức thực hiện; ai không làm được thì đứng ra một bên cho người khác làm.
Trực tiếp xuống hiện trường và hằng tháng giao ban về dự án, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thường xuyên theo dõi, đốc thúc tiến độ để hoàn thành dự án vào đầu năm 2025. “Không chấp nhận cách làm túc tắc” bởi “công trình này không cho phép chúng ta chậm nữa”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo thông tin mới nhất từ Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư Sân bay Long Thành (tại cuộc họp ngày 6/4/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành), đến nay dự án đã hình thành đại công trường nhộn nhịp, không khí thi đua lao động sôi nổi, các mũi thi công được triển khai tối đa, thi công liên tục 3 ca. Các tổ, đội tiến hành giao ban hằng ngày, Ban Quản lý dự án giao ban hằng tuần.
Trong lĩnh vực hàng hải, Thủ tướng đã có các cuộc khảo sát thực địa, làm việc với các địa phương về việc hoàn thiện hạ tầng cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Khánh Hòa… – những địa phương có tiềm năng nhất về phát triển cảng biển.
Với lĩnh vực hàng không, Thủ tướng cũng dành sự quan tâm tới các sân bay, với yêu cầu huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực cho phát triển. Đầu năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát lệnh khởi công dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên, với chi phí giải phóng mặt bằng có tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Trong bối cảnh hạ tầng đường bộ gặp nhiều khó khăn, sân bay này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới để tỉnh miền núi Điện Biên đi lên từ “bàn tay, khối óc, khung trời, cửa khẩu, mảnh đất” của mình!
Trong bối cảnh gặp vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch COVID-19, sự chuyển biến đáng kể của các đại dự án nêu trên qua sự sâu sát, quyết liệt của Chính phủ trong 1 năm qua có ý nghĩa rất quan trọng, củng cố niềm tin vào một Chính phủ “nói đi đôi với làm” và làm có hiệu quả, mang đến nhiều kỳ vọng về sự chuyển mình và đổi thay tích cực của đất nước trong những năm tới.
Theo Baochinhphu
Ý kiến ()