Đột phá đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu
LSO-Năm 1997, khi Lạng Sơn áp dụng thí điểm một số chính sách tại một số khu vực cửa khẩu biên giới, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu như: Tân Thanh, Hữu Nghị, Bảo Lâm, Chi Ma hầu như chưa có gì. Trải qua gần 20 năm, đến nay hệ thống cửa khẩu trên địa bàn tỉnh từng bước khang trang, hiện đại, đồng bộ và trở thành khu vực kinh tế động lực của tỉnh Lạng Sơn trên con đường hội nhập.
Khu trung tâm Cửa khẩu Hữu Nghị tại thị trấn Đồng Đăng được đầu tư các công trình hạ tầng đồng bộ |
Cuối tháng 10/2016, khảo sát thực tế tại khu vực cửa khẩu Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế tại cửa khẩu được quy hoạch đồng bộ. Những con đường giao thông liên hoàn thoáng rộng kết hợp với các dự án trung tâm thương mại, kho bãi khang trang đang được đầu tư xây dựng.
Ông Hoàng Văn Quyết, Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn, Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu Chi Ma cho biết: Từ năm 2003 trở lại đây, tỉnh đã đầu tư trên 10 dự án, đồ án quy hoạch bao gồm: công trình nhà làm việc liên ngành, nhà kiểm soát liên hợp số 1, hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp nước, khu tái định cư… với kinh phí đã thực hiện đạt trên 1.000 tỷ đồng. Hạ tầng cửa khẩu được đầu tư đồng bộ, hiện cửa khẩu Chi Ma đang là điểm thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện các dự án kinh doanh với 22 dự án đã được cấp phép đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 800 tỷ đồng. Trong đó 10 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 12 dự án đang triển khai, tạo việc làm cho trên 500 lao động trên địa bàn.
Bà Lưu Thúy Hằng, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt, huyện Lộc Bình cho biết: Hệ thống cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu Chi Ma được đầu tư đồng bộ nên doanh nghiệp đã quyết định thực hiện dự án đầu tư khu dịch vụ thương mại tổng hợp trên diện tích hơn 4.000 m2. Trong quá trình triển khai dự án, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cấp, ngành, vì vậy đến nay dự án đã thực hiện được 70% kế hoạch.
Từ năm 2009 đến nay, tại 12 cửa khẩu, lối mở trên địa bàn, tỉnh đã giao Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng -Lạng Sơn thực hiện trên 50 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và đã có hơn 30 dự án hoàn thành đưa vào khai thác phát huy hiệu quả.
Trước đây, tại cửa khẩu Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư, hoạt động giao thương một ngày chỉ đạt 80 đến 90 xe hàng. Đến nay, với việc đấu nối thành công đường bộ qua biên giới cộng với các công trình hạ tầng phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu được đầu tư đồng bộ, hiện cửa khẩu này mỗi ngày thu hút từ 200 đến 300 xe tham gia xuất, nhập khẩu.
Ông Trần Tiến Minh, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng tại các cửa khẩu, từ đó hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong những năm tới, ban tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các cơ chế chính sách tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư tại các cửa khẩu, gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài việc đầu tư các công trình tại cửa khẩu, tỉnh còn quy hoạch thực hiện các dự án giao thông liên kết với các cửa khẩu và đấu nối với đường tuần tra biên giới. Điển hình như: dự án đường Bản Nằm – Bình Độ – Đào Viên; đường Na Sầm – Na Hình; đường Pác Luống – Tân Thanh; đường Hữu Nghị – Bảo Lâm… với tổng mức đầu tư lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, một số công trình hoàn thành phát huy hiệu quả như: đường Pác Luống-Tân Thanh, đường Na Sầm-Na Hình, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa qua biên giới.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()