LSO- Là một tỉnh miền núi có tiểu vùng khí hậu đặc thù, Lạng Sơn nổi tiếng là nơi lưu giữ những cây con làm thuốc có giá trị. Cùng với đó là những thế hệ ông lang, bà mế - những “bác sĩ, dược sĩ dân gian”, những người đã có công lao trong việc giữ gìn một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc… Cùng với việc trang bị những máy móc hiện đại, ứng dụng kỹ thuật mới trong việc nâng cao năng lực của ngành y tế trong công tác khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và trực tiếp của ngành y tế, công tác y học cổ truyền (YHCT) đã nhanh chóng lớn mạnh và lấy lại vị trí của mình trong công tác bảo việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, Chỉ thị số 24/CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới” đã “nâng tầm” và tạo điều kiện cho bước phát triển cao hơn của nền...
LSO- Là một tỉnh miền núi có tiểu vùng khí hậu đặc thù, Lạng Sơn nổi tiếng là nơi lưu giữ những cây con làm thuốc có giá trị. Cùng với đó là những thế hệ ông lang, bà mế – những “bác sĩ, dược sĩ dân gian”, những người đã có công lao trong việc giữ gìn một di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc…
Cùng với việc trang bị những máy móc hiện đại, ứng dụng kỹ thuật mới trong việc nâng cao năng lực của ngành y tế trong công tác khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và trực tiếp của ngành y tế, công tác y học cổ truyền (YHCT) đã nhanh chóng lớn mạnh và lấy lại vị trí của mình trong công tác bảo việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, Chỉ thị số 24/CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) về “phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới” đã “nâng tầm” và tạo điều kiện cho bước phát triển cao hơn của nền đông y Việt Nam nói chung, trong đó có đông y Lạng Sơn.
Cán bộ Trạm y tế xã Thanh Long, huyện Văn Lãng chăm sóc vườn thuốc nam
Thực hiện Chỉ thị, gần 3 năm qua, song song với việc kiện toàn và phát triển hội viên, công tác giáo dục truyền thống, phổ biến pháp luật cho hội viên đã được quan tâm. Công tác YHCT đã đi vào những phần việc thiết thực cụ thể. Cùng với mở rộng và nâng cao năng lực của bệnh viện YHCT tỉnh, các khoa YHCT tại các bệnh viện tuyến huyện; các trạm y tế xã đã được biên chế y sĩ YHCT hoặc hướng YHCT để kết hợp YHCT với y học hiện đại trong việc khám và điều trị. Cùng với đó là hàng ngàn ông lang, bà mế – những thầy thuốc dân gian đã miệt mài với công việc âm thầm lặng lẽ cứu giúp người bệnh. Nổi bật hơn cả là việc kế thừa, ứng dụng và xây dựng vườn thuốc. Những bài thuốc hay, những cây thuốc quý của các ông lang, bà mế ở các địa phương đã được gìn giữ, ứng dụng và lưu truyền qua các hình thức khá phong phú qua các “hội nghị tâm đắc”, hội nghị chuyên đề về chuyên môn y- dược; vận động các thầy thuốc cao tuổi có các bài thuốc hay, cây thuốc quý truyền lại cho con cháu trong gia đình. Theo đó, các chi hội đã tập hợp được 361 bài thuốc gia truyền, trên 300 bài thuốc điều trị có hiệu quả, 150 cây thuốc quý trong dân gian. Thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của tỉnh về bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng, các khu rừng đặc dụng và rừng có nguồn gien cây thuốc quý đã được quan tâm bảo vệ như rừng thuộc khu bảo tồn thuốc nam ở Hữu Lũng có diện tích trên 4 ha, 4 khu rừng ở Đình Lập có diện tích trên 60ha. Công tác xây dựng và củng cố vườn thuốc nam đã được quan tâm. Toàn tỉnh đã có 5 vườn thuốc nam theo dự án của Trung tâm CI RUM (Trung tâm tư vấn phát triển bền vững nguồn tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á) có diện tích từ 1-4,5 ha. Trong công tác xây dựng chuẩn QG y tế xã, tiêu chí có vườn thuốc nam tại trạm xá đã được ngành y tế quan tâm chỉ đạo. Trong điều kiện hạn hẹp về diện tích, các trạm y tế đã cố gắng lập vườn thuốc nam với những cây thuốc thông dụng, có tác dụng giới thiệu rộng rãi cây thuốc và cách sử dụng đến với người dân. Các vườn thuốc có từ 148 loại cây thuốc trở lên đã khá phổ biến, song tập trung ở Hữu Lũng, Đình Lập. Bên cạnh đó, những vườn thuốc tư nhân được mở rộng, với diện tích trung bình từ 100-100m2 mỗi vườn, những “tủ thuốc gia đình” này không chỉ đáp ứng nguồn thuốc tại chỗ cho nhu cầu chữa bệnh, mà đây còn là nơi di thực và bảo tồn những cây thuốc quý trên địa bàn Lạng Sơn. Trong giai đoạn 2005-2010, với tổng số 341 vườn thuốc, đã có 119 vườn thuốc tư nhân và 219 vườn thuốc phối kết hợp, tăng gần 20% so với giai đoạn 2000-2005.
Có thể nói, cùng với các tỉnh miền núi phía Bắc, núi rừng Lạng Sơn là cả một kho thuốc quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất có khí hậu đặc trưng này. Vì vậy, song song với mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng vườn thuốc, việc bảo vệ rừng nói chung và rừng bảo tồn cây thuốc nam trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nhiều lương y than phiền rằng, do lợi nhuận cao, trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp đã mở đại lý thu mua cây thuốc để bán sang Trung Quốc, nên nhiều loại cây quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Bảo vệ và gìn giữ vốn quý của rừng không chỉ là lương tâm và trách nhiệm của toàn xã hội mà trước hết là nhiệm vụ của ngành kiểm lâm.
Minh Hồng
Ý kiến ()