Dòng vốn FDI vẫn ổn định
Vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục giảm trong bảy tháng qua. Song, những chỉ số có liên quan khác như vốn giải ngân, sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI vẫn cho thấy Việt Nam là điểm đầu tư ổn định đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thiếu vắng dự án quy mô lớn
Theo số liệu do Cục Ðầu tư nước ngoài công bố, tính đến ngày 20-7, vốn đăng ký FDI đạt 9,53 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vốn đăng ký trong bảy tháng qua vẫn tiếp tục giảm nhưng xu hướng giảm đã có dấu hiệu chững lại khi mức giảm này thấp hơn mức giảm 35,5% trong nửa đầu năm. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư 889 dự án mới và tăng vốn ở 300 dự án đang hoạt động. Sự sụt giảm của vốn đăng ký FDI trong nửa đầu năm nay đã làm dấy lên một chút lo ngại về môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên theo giải thích của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, vốn cam kết FDI thấp hơn là do năm 2013 có một loạt dự án quy mô lớn đã nhận được giấy phép đầu tư, trong khi năm nay thiếu vắng những dự án quy mô lớn. Trong bảy tháng qua, chỉ có duy nhất một dự án FDI có quy mô 1 tỷ USD được cấp giấy chứng nhận đầu tư (dự án Công ty TNHH Samsung Display Bắc Ninh của nhà đầu tư Hàn Quốc). Những dự án FDI lớn khác cũng chỉ có tổng vốn đầu tư từ 200 đến 300 triệu USD.
Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, FDI năm nay không kém hơn năm ngoái. Sự khẳng định này không phải là không có cơ sở, vì hiện tại, rất nhiều dự án FDI với quy mô lớn đang trong quá trình chuẩn bị để được cấp phép. Ngay trong những ngày đầu tháng 7, Samsung đã nhận được giấy phép đầu tư dự án mới tại Bắc Ninh với tổng vốn là 1 tỷ USD. TP Hồ Chí Minh cũng dự kiến cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một dự án khác của Samsung chuyên sản xuất các sản phẩm máy thu hình với quy mô 1,4 tỷ USD. Gần đây, Intel đã công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy tại Cô-xta Ri-ca và chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Sự kiện đó cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những công ty lớn vẫn coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Nếu môi trường đầu tư của Việt Nam không tốt thì các công ty nước ngoài sẽ dừng giải ngân vốn và các hoạt động mở rộng sản xuất. “Mọi việc vẫn đang rất tốt, tôi lạc quan về triển vọng ở Việt Nam. Bất chấp căng thẳng do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta không thấy dấu hiệu về sự rút chạy của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Việt Nam, điều đó có nghĩa môi trường ở đây vẫn rất tốt,” ông R.Gân-đơ-xơ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam, khẳng định.
Hơn nữa, các địa phương bị ảnh hưởng bởi vụ lợi dụng biểu tình, gây rối đập phá doanh nghiệp hồi giữa tháng 5 vừa qua như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai vẫn tiếp tục duy trì đà thu hút FDI từ đầu năm đến nay. Cả ba địa phương này đều dẫn đầu cả nước về thu hút FDI: TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,07 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng vốn FDI của cả nước; Bình Dương với 1,05 tỷ USD, chiếm 11%; Ðồng Nai với 818,5 triệu USD.
Duy trì đà giải ngân ổn định
Một trong những bằng chứng nữa cho thấy sự ổn định của môi trường đầu tư chính là hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Số liệu từ Cục Ðầu tư nước ngoài cho thấy, vốn giải ngân FDI tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đạt 55,83 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ, chiếm 66,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong bảy tháng đầu năm. Theo GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, tốc độ giải ngân vốn FDI trong bảy tháng qua là khá tốt. Chắc chắn cả năm nay, con số giải ngân sẽ đạt mức 12 tỷ USD, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Chưa kể, chất lượng vốn FDI giải ngân cũng được cải thiện khi có nhiều dự án FDI chất lượng cao như dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Samsung Thái Nguyên… đang tăng tốc thực hiện. Ðây là những dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo nên sẽ góp phần tạo nên những “cú huých” phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, với mức xuất siêu lên tới 9,78 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm, khu vực FDI đã đóng góp rất lớn vào thành tích xuất siêu của cả nước.
Chỉ cần nhìn vào những con số trên có thể thấy được sự đóng góp quan trọng của khối doanh nghiệp FDI đối với nền kinh tế. Trong thời gian tới, đóng góp của khối FDI sẽ tăng hơn nữa khi một loạt tập đoàn đa quốc gia sẽ chính thức khởi động các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Ðan Ðức Hiệp cho biết, LG Electrics sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất tại Hải Phòng trong vòng hai tháng tới, chỉ một năm sau khi tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc này nhận được giấy chứng nhận đầu tư cho dự án có tổng vốn 1,5 tỷ USD. Bridgestone Corporation, công ty sản xuất lốp hàng đầu thế giới, cũng đang trong giai đoạn cuối cùng để bắt đầu sản xuất lốp tại Hải Phòng trong một vài tháng tới.
Tuy nhiên, nói như vậy không phải là môi trường đầu tư của Việt Nam đã ở mức hoàn thiện. Thực tế các nhà đầu tư vẫn gặp phải một số thách thức như cơ sở hạ tầng yếu kém, nhân lực có kỹ năng thiếu, thủ tục rườm rà và hệ thống pháp luật chưa ổn định. Ông R.Gân-đơ-xơ cho rằng, Việt Nam đang thu hút các dự án FDI nhờ vào sự ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế tốt và tiềm năng mở rộng của thị trường tiêu dùng. Nếu khắc phục được những thách thức trên, dòng vốn FDI có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
![]() Từ đầu năm đến nay, phần lớn các dự án FDI được đầu tư vào nước ta chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài. DN FDI 100% vốn nước ngoài sẽ linh động hơn trong việc ứng biến và xử lý rất nhanh các tình huống xảy ra, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng vì không cần chờ đợi sự thống nhất như trong DN liên doanh. Tuy nhiên, các dự án FDI 100% vốn nước ngoài thường có tác động lan tỏa rất chậm, ngoài đóng góp về thuế thì hầu như không đem lại lợi ích gì khác cho Việt Nam. Trong khi đó, nếu các dự án FDI được đầu tư dưới hình thức liên doanh sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ, qua đó chúng ta có thể tiếp cận và học hỏi được nhiều phương thức quản lý kinh doanh hiện đại, công nghệ khoa học mới…; thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, trong đó có công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, tỷ lệ của hình thức liên doanh trong cơ cấu FDI còn thấp là nhược điểm cần khắc phục sớm. Sắp tới, Nhà nước cần ban hành các chính sách quy định rõ ngành, nghề, lĩnh vực nào thì cho phép đón nhận các dòng vốn 100% nước ngoài, lĩnh vực nào bắt buộc phải đầu tư theo hình thức liên doanh để bảo đảm một cách hài hòa lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài và lợi ích của Việt Nam. GS, TSKH NGUYỄN MẠI (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI) |
![]() Xếp hạng tín nhiệm quốc gia là chỉ số thể hiện khả năng và sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc trả đủ và đúng thời hạn các nghĩa vụ nợ trong tương lai. Việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức thu hút FDI của Việt Nam, bởi thông tin do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cung cấp giúp nhà đầu tư xác định được mức độ rủi ro của Việt Nam đã giảm bớt, để từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Với gần 90% nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là từ các quốc gia trong khu vực châu Á, việc mới đây Moody's nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam (từ B2 lên B1 với triển vọng ổn định) sẽ càng làm các nhà đầu tư thêm yên tâm khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Cùng với sự cải thiện dần chỉ số xếp hạng cạnh tranh toàn cầu và lợi thế trong chi phí khởi đầu kinh doanh khá thấp, Việt Nam, đang là điểm nóng thu hút FDI, chắc chắn sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn. Ðiều này góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt Nam trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài và là cơ sở quan trọng để Việt Nam tiếp tục cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của mình. |
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()