Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ tới châu Phi
Một dự án làm đường của Trung Quốc tại Kê-ni-a. Mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng chính trị ở một số nước Bắc Phi, song châu Phi giàu tài nguyên vẫn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong những năm tới.Tỷ lệ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi tiếp tục tăng một cách ngoạn mục so với toàn thế giới.Với dân số khoảng một tỷ người, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, những năm gần đây, châu Phi trở thành địa chỉ hấp dẫn và chủ yếu cho FDI toàn cầu, nhất là từ Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, cho dù xuất phát cơ sở thấp hơn các khu vực khác. Trong thời kỳ từ năm 2001 đến năm 2010, tổng nguồn vốn FDI vào khu vực này tăng gần 600%. Tại một hội nghị đầu tư quốc tế tổ chức ở Ni-giê-ri-a vừa qua, cựu Tổng thống Ni-giê-ri-a O.Ô-ba-xan-giô đã khẳng định, châu Phi sẽ là điểm đến tiếp theo của thế giới nhờ thực hiện hàng loạt cải cách ở nhiều nước trên khắp châu lục. Câu...
|
Tỷ lệ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi tiếp tục tăng một cách ngoạn mục so với toàn thế giới.
Với dân số khoảng một tỷ người, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, những năm gần đây, châu Phi trở thành địa chỉ hấp dẫn và chủ yếu cho FDI toàn cầu, nhất là từ Mỹ, Anh, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, cho dù xuất phát cơ sở thấp hơn các khu vực khác. Trong thời kỳ từ năm 2001 đến năm 2010, tổng nguồn vốn FDI vào khu vực này tăng gần 600%. Tại một hội nghị đầu tư quốc tế tổ chức ở Ni-giê-ri-a vừa qua, cựu Tổng thống Ni-giê-ri-a O.Ô-ba-xan-giô đã khẳng định, châu Phi sẽ là điểm đến tiếp theo của thế giới nhờ thực hiện hàng loạt cải cách ở nhiều nước trên khắp châu lục. Câu chuyện về tăng trưởng của châu Phi không chỉ do nguồn tài nguyên dồi dào mà còn bởi sự cải cách, trong đó có việc cơ cấu lại các khung pháp lý, sửa đổi chính sách nhằm mang lại sự thay đổi cơ bản về môi trường kinh doanh, đem về cho châu Phi một vị trí thường trực trên bản đồ của các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Mặc dù nhiều chính phủ vẫn phải đi một con đường dài trong việc tiến hành cải cách, song tỷ lệ tăng trưởng đạt kỷ lục thông qua hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng GDP của toàn châu Phi trong năm năm tới dự báo khoảng 8%, gấp hai lần tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến, trong khi tăng trưởng trung bình của toàn thế giới được dự báo là 6%.
Theo kết quả một cuộc điều tra hơn 500 giám đốc điều hành toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy khả năng lớn về tăng trưởng dài hạn của châu Phi. Phân tích về các dự án FDI ở châu Phi trong thập kỷ qua cho thấy, các dự án FDI mới đầu tư vào châu Phi tăng từ con số 338 năm 2003 lên 633 năm 2010 (tăng 87%). Kể từ sau đỉnh cao năm 2008, mặc dù đầu tư giảm do suy thoái kinh tế toàn cầu, châu Phi vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Sự tăng trưởng mạnh mẽ các dự án mới vào châu Phi được mong đợi trong những năm tới, với dòng vốn FDI dự báo sẽ đạt 150 tỷ USD vào năm 2015. FDI có vai trò quan trọng khi các nguồn vốn dài hạn cho phép tái đầu tư vào các dự án hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng bền vững khắp châu Phi.
Châu Phi trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, nhất là từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi. Một cuộc điều tra các doanh nghiệp hàng đầu thế giới với 74% là các nhà đầu tư đến từ các thị trường mới nổi cho thấy, châu Phi trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn trong ba năm qua. Họ cũng đánh giá lạc quan về triển vọng đầu tư lâu dài ở châu lục này. Hơn một thập kỷ qua, đầu tư từ các thị trường mới nổi vào châu Phi tăng nhanh, từ 100 dự án mới năm 2003 lên 240 dự án năm 2010, chiếm khoảng 38% tổng đầu tư vào châu Phi. Trong những năm qua, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước có FDI lớn ở châu Phi, hiện đứng thứ năm trong số những nước có nguồn đầu tư lớn vào khu vực này. Các câu chuyện thành công về đầu tư đang lan rộng khắp châu Phi. Mười quốc gia gồm Nam Phi, Ai Cập, Ma-rốc, An-giê-ri, Tuy-ni-di, Ni-giê-ri-a, Ăng-gô-la, Kê-ni-a, Li-bi và Ga-na thu hút 70% các dự án FDI mới ở châu Phi từ năm 2003 đến năm 2010. Khu vực Cộng đồng Phát triển miền nam châu Phi (SADC) là điển hình của châu lục trong việc tạo môi trường thu hút đầu tư. Một trong những lý do dẫn đến thành công thu hút đầu tư của khu vực này là bởi các nước thuộc SADC đã vạch ra những lợi ích chính trị chung, hỗ trợ các dòng đầu tư và thương mại lớn hơn giữa các nước thành viên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()