Đồng Văn (Hà Giang) đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP
Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong thời gian qua, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt Chương trình theo chỉ đạo của tỉnh nhằm xây dựng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới và phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới và là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá của Hà Giang (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ). Để thực hiện tốt Chương trình OCOP, thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; đẩy mạnh thực hiện xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như: Bò Vàng, Mật ong Bạc hà, Bánh Tam giác mạch (loại bánh được làm từ bột của cây Hoa Tam giác mạch), trái lê Đồng Văn…nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Mô hình nuôi ong mật bạc hà tại xã Cần Phố Cáo, huyện Đồng Văn. |
Theo đó, huyện đã tổ chức hàng chục khóa đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh về chiến lược phát triển của sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương tại các sự kiện văn hóa du lịch và thương mại trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, để thực hiện tốt Chương trình OCOP, huyện Đồng Văn còn tổ chức các hội nghị tư vấn nhằm hỗ trợ thành lập các HTX, các doanh nghiệp từ các nhóm hộ gia đình cũng như trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị về nhiệm vụ của Chương trình gắn với các chương trình phát triển nông thôn mới.
Anh Đào A Hò, chủ nhiệm HTX Rượu Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn cho biết, từ khi đăng ký Chương trình OCOP đối với sản phẩm của HTX, đến cuối năm 2019, sản phẩm của đơn vị anh sản xuất đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Từ khi được công nhận, sản phẩm được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã của sản phẩm; nhờ đó, thị trường cũng dần được mở rộng…, tạo doanh thu trên 250 triệu đồng/năm và góp phần tạo việc làm thường xuyên cho từ 8 – 10 lao động tại địa phương.
Với những giải pháp triển khai đồng bộ, cho đến nay, huyện Đồng Văn đã có 07 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm được nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao, gồm: Thịt khô Bò Vàng, Mật ong Bạc hà, Rượu Thiên Hương và Bánh Tam giác mạch.
Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết, quá trình thực hiện Chương trình OCOP cũng là cơ hội thuận lợi giúp người dân tham gia trong các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững. Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP của huyện Đồng Văn đã giúp huyện phát huy được tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
“Đặc biệt, Chương trình OCOP không chỉ góp phần làm tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần nâng cao thương hiệu của các đặc sản địa phương. Từ đó, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo và thực hiện xây dựng thành công nông thôn mới trên địa bàn của huyện về trước mắt cũng như lâu dài”, đồng chí Nguyễn Văn Chinh cho biết thêm./.
Ý kiến ()